Câu chuyện hoa hậu Đỗ Thị Hà “về trường” và được tổ chức đón tiếp trọng thị dù đã qua mấy ngày vẫn chưa hết rôm rả trên mạng xã hội.

Nguồn cơn bắt đầu từ một bức ảnh, khi hoa hậu được cho là “ngồi chễm chệ”, trong khi thày Hiệu trưởng đang đứng phát biểu với đôi bàn tay đan vào nhau cùng dáng vẻ bị cho là “có vấn đề”. Vậy là, chỉ từ một bức ảnh, sự trọng thị bỗng chốc trở thành… quá lố, rình rang, phản cảm.

Có người bảo, dư luận lắm kẻ “lên đồng”, chuyện chẳng có gì mà “bé xé ra to”, song ngẫm ra thấy trong chuyện này thật cũng có gì đó… sai sai.

Hoa hậu thì sao nhỉ? Suy cho cùng, đó cũng chỉ là danh xưng, là người chiến thắng trong một cuộc thi nhan sắc. Và hẳn nhiên, cái danh xưng ấy không thể lớn hơn uy tín, thương hiệu của một ngôi trường danh tiếng.

Nhà trường tự hào về sinh viên của mình – âu cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi mà sau bao nhiêu năm, giờ lần đầu tiên trường mới có một sinh viên đăng quang ngôi vị hoa hậu. Nhưng cái cách các thày thể hiện niềm tự hào ấy xem ra có phần hơi quá.

Tiếc là, cái sự quá ấy, không phải là lần đầu. Hoa hậu Đỗ Thị Hà trước màn “về trường” đã có màn “về làng” cũng ồn ào không kém. Khắp làng trên xóm dưới, từ lãnh đạo địa phương đến bà con dân làng cờ quạt tưng bừng, xếp hàng dài hai bên đường nghênh đón.

Nhiều người trách Đỗ Thị Hà trẻ người non dạ, không biết mình biết ta, thiếu kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử… Nhưng công bằng mà nói, trong chuyện này, hoa hậu không đáng trách. Trách là trách những người lớn đã phủ lên cô bé 19 tuổi ấy vòng hào quang quá lớn, đã biến cô trở thành “tâm điểm” dư luận từ chính cách ứng xử khoa trương của mình, mà có lẽ ngay bản thân cô cũng bất ngờ. Thế mới nói “thương nhau như thế bằng mười hại nhau”.

Xem ra, bệnh trọng hình thức, chạy theo hình thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ của rất nhiều người; và đến một lúc nào đó sẽ làm xóa mờ, thậm chí là đảo lộn các giá trị.

Đó mới là điều đáng để suy ngẫm!