Trong bài báo có tiêu đề “The Public-Shaming Pandemic” tạm dịch là “Đại dịch phỉ báng từ cộng đồng” đăng tải trên The New Yorker ngày 21/9, cô N.H.N (bệnh nhân 17 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam) và N.N chị của cô – “bệnh nhân số 0 của làng mốt thế giới” (theo cách gọi của The New York Times), đã xuất hiện như những nạn nhân của sự ném đá từ cộng đồng. Những lời N.N kể về câu chuyện của chị em họ với tờ báo này đã làm dậy sóng dư luận vì sự một chiều, thiếu khách quan.

Trong câu chuyện, họ thể hiện họ là những người giàu có, và là nạn nhân của sự giàu có ấy!. Nhưng nếu biết kỹ về câu chuyện, thì không thể không đặt câu hỏi rằng cách phát ngôn cũng như hành xử của chị em N, liệu cái được gọi là sự giàu có của họ đi kèm với văn hóa? Theo như lời kể của N.N với The New Yorker, thì họ phải “chiến đấu với virus trong khi tất cả các bài báo đang tát vào bạn khiến mọi thứ khó khăn hơn”, rằng ở phương Tây người ta coi trọng vấn đề bảo mật thông tin và hoàn toàn tôn trọng quyền cá nhân cho bệnh nhân, còn ở Việt Nam thì không. Sự so sánh này khá mâu thuẫn với những nguyên tắc của việc điều trị dịch bệnh cũng như thực tế đã xảy ra. Nếu xã hội cô ấy đang ca ngợi là tôn trọng và bảo mật thông tin của cô, thì tại sao chính N.N lại có danh xưng là “bệnh nhân số 0 của làng mốt thế giới” ngay trên tờ The New York Times của Mỹ ?. Còn tại Việt Nam có cả nghìn bệnh nhân Covid 19 nhưng chả mấy ai bị cộng đồng tức giận, trái lại còn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy tình người. Vậy lý do N.H.N- em gái N.N bị COVID 19 lại khiến mọi người biết đến là gì? Đó là vì trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm, N.H.N sẵn sàng dối trá, che giấu thông tin đã từng tới vùng dịch ở châu Âu để tránh bị cách ly. Và hậu quả của hành động này là cả một khu phố với hơn trăm người hàng xóm của N.H.N phải cách ly 14 ngày và nhận đồ tiếp tế của Chính phủ. Cả một bệnh viện tư với các y bác sĩ đã từng tiếp xúc, khám bệnh cho cô phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Còn những người trong gia đình, tiếp xúc gần với cô thì nhiễm bệnh, thậm chí có người còn là một trong những bệnh nhân nặng nhất, điều trị lâu nhất trong đợt dịch đó. Đành rằng, quyền riêng tư của mỗi cá nhân cần được tôn trọng nhưng người ta không thể đem quyền riêng tư để bất chấp nguy hiểm cho cả cộng đồng. Quyền riêng tư không đồng nghĩa với bỏ qua trách nhiệm với xã hội nếu không muốn nói trong trường hợp này còn là vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Trong bài báo này cô chị N.N còn xem các vụ tấn công trên mạng là ví dụ của sự ghen tị giai cấp, với kiểu phát ngôn họ bị tấn công vì “Ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền - chúng tôi đi du lịch quá nhiều” (?). Vậy theo N.N, ở Việt Nam nếu giàu bạn sẽ bị kỳ thị? Có lẽ không hẳn vậy. Vì chính N.N lại quên mất trường hợp cô bạn thân của mình, vốn là con nhà giàu thực sự, cô ấy được gia đình thuê máy bay riêng để đưa về Việt Nam khi bị nhiễm Covid 19, nhưng không hề bị cộng đồng mạng kỳ thị, mà còn ghi nhận cố gắng của gia đình bệnh nhân không muốn cô là nguồn nhiễm virus cho người khác. Còn N.N đang cố chứng tỏ sự giàu có của gia đình và bản thân, cố chứng tỏ chị em họ là nạn nhân đáng thương của những trò “ném đá” trên mạng, theo một cách rất đúng ý tác giả bài báo, nhưng lại chẳng thể hiện chút ý thức với cộng đồng.

Cho dù hai chị em này có nói gì đi nữa thì sự thật là họ đã nhiễm thứ virus nguy hiểm và cô em - bệnh nhân số 17 cũng đã được các bác sĩ quê nhà cứu chữa tận tình. Chính N.N cũng đã thừa nhận điều đó và gia đình cô biết ơn vì điều này. Thế nhưng, những gì họ phát ngôn trên báo Mỹ một lần nữa cho thấy họ luôn quên đi sự an nguy của cộng đồng mà chỉ nhớ tới cảm xúc của cá nhân. Gia đình họ có thể giàu có, nhưng cộng đồng mong muốn rằng sự giàu có ấy song hành với cách ứng xử có văn hóa và trách nhiệm hơn !

Và ngay cả The New Yorker, với một bài báo không hoàn toàn thiện ý về quá trình kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, tờ báo này cũng đã bỏ qua thực tế rằng cách mà Việt Nam chống dịch đang hiệu quả hơn nhiều so với thực tế ở chính thành phố New York. Tờ báo đã quên rằng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia, và cũng quên luôn thực tế rằng không hẳn nước giàu đã chống dịch Covid 19 tốt hơn những nước phát triển trung bình như Việt Nam.