Việc Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng ở Cannes 2023 (giải thưởng từng "phát hiện" ra một Trần Anh Hùng tài năng thuở trước) đã một lần nữa cho thấy, về phẩm chất cá nhân các tài năng điện ảnh Việt Nam đủ sức đứng chung hàng ngũ với những tài năng điện ảnh thế giới, ở một trong số những sân chơi đỉnh cao của môn nghệ thuật này.
Sau khi nhận giải, Thiên Ân có tâm sự trên báo Pháp rằng: "Giải thưởng phim ngắn tôi có được tại Cannes 2019 giúp ích rất nhiều cho việc thực hiện Bên trong vỏ kén vàng. Quan trọng nhất, nó giúp tôi nhận được những khoản kinh phí quý báu cho sản xuất bộ phim, đặc biệt ở giai đoạn tiền kỳ. Tôi được các Quỹ điện ảnh biết tới và rót kinh phí cho dự án làm phim. Trong đó, rót nhiều nhất là 1 quỹ tại Singapore với tổng cộng khoảng 30% kinh phí bộ phim. Tiếp đến là 2 quỹ khác, mỗi quỹ khoảng 10-15%. Còn lại cộng gộp từ nhiều đơn vị khác ở Việt Nam".
Thực tế lâu nay, các nhà làm phim luôn đau đáu một nỗi niềm: Kinh phí đâu để sản xuất phim? Nếu đặt bài toán lợi nhuận thông thường, khó nhà đầu tư nào đủ tin tưởng rót cả đống tiền cho việc sản xuất một phim điện ảnh, bởi khó lường trước được sự rủi ro và đảm bảo an toàn vốn trong bối cảnh thị trường phim Việt khó đoán hiện nay. Còn nhớ hồi năm ngoái, tôi đã từng phỏng vấn Lý Thu Uyên (biên kịch - nữ chính phim Đêm tối rực rỡ), Uyên nhắc đi nhắc lại rằng, dù vợ chồng cô (đạo diễn Aaron Toronton) đã có 10 năm lăn lộn trong làng phim Việt ở đủ mọi vai trò, ít nhiều cũng có người biết đến, nhưng quá trình 2 người tìm kinh phí sản xuất Đêm tối rực rỡ cũng hết sức chật vật: "Em phải cám ơn các 'nhà đầu tư thiên thần' đã tin tưởng tụi em. Em và anh Aaron mất 2 năm loay hoay đủ cách kiếm kinh phí làm phim mà không đủ. Tới lúc tuyệt vọng quá, tụi em đã nghĩ hay là quay về Mỹ (Aaron Toronto là người Mỹ) để thử tìm kiếm cơ hội bên đó. Rất may mắn là ngay khoảnh khắc tụi em đang chờ ở sân bay thì cuộc gọi của một 'nhà đầu tư thiên thần' đến. Đó là một người bạn của em, bạn nói thôi cứ cầm tiền mà làm, đừng lo nghĩ gì cả".
Với điện ảnh thế giới, sự tồn tại của các Quỹ đầu tư phim là hết sức ý nghĩa trong việc phát hiện, nâng đỡ các tài năng điện ảnh mới. Không hiếm trường hợp nhà đầu tư nhìn ra, tin tưởng tài năng, sẵn sàng "đầu tư mạo hiểm" cho bạn làm phim (kể cả khi bạn chưa là ai cả). Để rồi việc biến một đạo diễn vô danh "from ZERO to HERO" hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi trong nước lại đang rất thiếu những Quỹ điện ảnh để sẵn sàng "mạo hiểm" với cuộc chơi tốn kém bạc tỷ cho những tài năng trẻ như Phạm Thiên Ân. Ở Việt Nam hiện nay, vai trò của điện ảnh ngày càng được đề cao khi có những đóng góp ở nhiều bình diện khác nhau. Dù các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả những đạo diễn, biên kịch khi được hỏi đều khẳng định "vai trò của điện ảnh không chỉ để quảng bá du lịch", nhưng thực tế mục đích này gần như "phụ trở thành chính" mỗi khi Nhà nước rót vốn cho một phim nào đó.
Nhiều kỳ họp Quốc hội đã bàn thảo nhưng cho đến nay, nút thắt cho việc thành lập một Quỹ điện ảnh dưới sự quản lí của nhà nước vẫn chưa được tháo gỡ. Hàng trăm ngàn lí do được viện dẫn, nhưng rồi đúng như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói, "cuối cùng chúng ta có tất cả, đúng tất cả, chỉ là không có phim thôi" (xin bổ sung thêm: không có Quỹ làm phim). Khi muốn, người ta tìm cách. Khi không muốn, người ta tìm lý do.
Thiếu vắng các Quỹ điện ảnh sẽ khiến nhà nước hoàn toàn bị động trong việc định hướng, can thiệp nội dung phim từ đầu. Chỉ cấm, cắt, xén... như lâu nay vẫn làm, ta sẽ chỉ có được sự an toàn về tư tưởng, nhưng sẽ mãi mãi thiếu vắng phim hay, để rồi phải hy vọng những tổ chức nước ngoài như Netflix "giúp Việt Nam làm phim". Mà cái này, lỗi ở Bộ VH-TT&DL có lẽ chỉ một phần.
Mới đây, Đen Vâu thu hút 10.000 khán giả đến Show của Đen ở Hà Nội. Cậu ấy từng rap: "Không có tiền thì làm nhạc sao?!". Câu chuyện với điện ảnh, cũng không khác! KHÔNG CÓ TIỀN THÌ LÀM PHIM SAO?!