Những ngày gần đây, chuyện lùm xùm xung quanh việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch quận 1, TPHCM) sử dụng mạng xã hội để “phê bình” lãnh đạo 2 địa phương của An Giang và Quảng Nam về cách tiếp nhận số tiền mà ông là người đại diện cho các mạnh thường quân ủng hộ làm nhà cho người nghèo, khiến dư luận băn khoăn. Thậm chí, nhiều người gay gắt đặt câu hỏi: Từ bao giờ, người làm từ thiện lại sử dụng sức mạnh của cộng đồng mạng để tạo áp lực với nơi nhận hỗ trợ, hờn dỗi khi địa phương chưa đáp ứng đúng yêu cầu của mình? Từ bao giờ, quan hệ san sẻ - yêu thương của tinh thần tương thân tương ái của người Việt lại bị biến thành thứ xin - cho hành chính, thành chiếu trên - chiếu dưới như vậy?

Đành rằng mọi khoản đóng góp, hỗ trợ của các nhà từ thiện cho địa phương khi khó khăn là rất đáng quý, đáng trân trọng. Những khoản đóng góp này đều được nơi tiếp nhận hỗ trợ công khai về cách thức thực hiện cũng như bàn bạc, trao đổi trên cơ sở cầu thị với cá nhân, tổ chức trao khoản ủng hộ đó và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề là tại sao ông Hải lại không trao đổi trực tiếp với các địa phương để “góp ý”, thậm chí là “chất vấn” nếu ông nhận thấy có “vấn đề” trong việc sử dụng số tiền từ thiện ông đã chuyển cho địa phương trước đó, mà lại thông qua mạng xã hội? Ngay cả khi địa phương thiện ý gọi điện “xin” được trao đổi, ông cũng không bắt máy? Phản hồi thông tin - đó là nguyên tắc giao tiếp tối thiểu. Chỉ có thể hiểu là ông không quan tâm hay đằng sau đó là gì, có lẽ chỉ ông mới biết?!

Sau nhiều lần cố gắng điện thoại cho ông Đoàn Ngọc Hải nhưng bất thành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Châu Đốc (An Giang) đã chuyển trả số tiền 106 triệu đồng cho ông Đoàn Ngọc Hải qua tài khoản của người chuyển tiền trước đó là bà Đỗ Thị Tiên. Hành động này cho thấy động thái “đáp trả” của địa phương với những ứng xử được cho là “chưa đúng tầm”, thiếu chuyên nghiệp. Dù rất cần và luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân gần xa cùng địa phương hỗ trợ, sẻ chia với những khó khăn của người nghèo, nhưng không vì thế mà có thể cho phép bất cứ ai mượn danh từ thiện để “đánh bóng tên tuổi” hay “đứng trên” cộng đồng.

Còn nhớ khi dịch Covid-19 khi trong giai đoạn cao điểm, rất nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã “bắt tay” cùng Chính phủ chống dịch bằng nhiều cách, từ quyên góp số tiền lớn đến những hiện vật có giá trị, thiết thực cùng cả sự đầu tư lâu dài như ông Phạm Nhật Vượng, Jonathan Hạnh Nguyễn hay chủ nhân của những ATM gạo “cứu đói” cho biết bao người nghèo trong giai đoạn khó khăn… Nhưng họ đâu có lên mạng xã hội để yêu cầu hay “phê bình” nơi nhận hỗ trợ mà trực tiếp trao đổi và thể hiện mong muốn của mình, sao cho cái đích cuối cùng vẫn là “để không ai bị bỏ lại phía sau” trong hoạn nạn.

Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa, cần hướng tới sự chuyên nghiệp và hợp tác, có trách nhiệm với đồng tiền mà nhà tài trợ bỏ ra để thu lại hiệu quả tốt nhất. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển “Không chuyên nghiệp thì hạn chế hiệu quả. Biết cách cho thì làm được nhiều việc, giúp được nhiều người hơn”. Cùng với hoạt động “từ thiện cứu trợ” thì chúng ta dần dần phải tiến đến việc “từ thiện phát triển” - từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, có đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp, bằng việc chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những "cần câu", dạy cho họ cách "câu cá" và tạo một môi trường có nhiều "cá" để người ta "câu".

Nói điều này bởi lẽ hiện nay, trong hoạt động từ thiện, nếu chấp nhận tất cả những tiêu chí riêng của các nhóm từ thiện sẽ dễ phát sinh nhiều vấn đề. Bởi mỗi đoàn từ thiện có mức hỗ trợ khác nhau, tiêu chí khác nhau... nên khi triển khai, không chỉ gây ra những “lùm xùm” không đáng có, thiếu công bằng, sai với tôn chỉ mục đích mà còn tiềm ẩn “mầm” bất ổn xã hội...Không phải là không có những hiện tượng cá nhân, đơn vị, tổ chức lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng tên tuổi, làm từ thiện không đúng cách... gây ra không ít hệ lụy cho xã hội.

Trong thời gian qua, những việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải dành cho người khó khăn, hoạn nạn là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với những gì xảy ra, dư luận mong muốn ông Hải cần bình tĩnh, lắng nghe trên tinh thần cầu thị, để sự đóng góp của ông vì cộng đồng trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tránh những “hiểu nhầm” đáng tiếc như vừa qua./.