Bộ phim “Người phán xử” bỗng chốc trở thành tâm điểm dư luận sau phát ngôn “gây bão” của một vị Tướng công an khi ông cho rằng: “Sau khi công chiếu bộ phim này, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều”.

Ngay lập tức, không chỉ giới làm phim mà cả công chúng, những người yêu phim ảnh đã có những phản ứng khác nhau.

Thực tế thì chúng ta chưa có một căn cứ nào để chứng minh cho luận điểm này. Kể cả thậm chí, nếu các vụ án và tỷ lệ tội phạm có sự gia tăng đột biến vào thời điểm đang hoặc sau khi bộ phim phát sóng thì cũng khó có thể nói nguyên nhân là do một bộ phim truyền hình.

Còn nhớ, năm 2009, trong một nghiên cứu xã hội học có tên “Phim ảnh bạo lực tác động như thế nào đến các hành vi bạo lực?” (của công chúng Mỹ), 2 tác giả Gordon Dahl và Stefano Dellavigna đã đưa ra một kết luận đáng chú ý: “Cùng trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm, khi lượng người xem các phim hành động bạo lực tăng thêm 1 triệu người thì tỷ lệ phạm tội lại giảm xuống từ 1,1 – 1,3%”. Kết luận này dựa trên dữ liệu của Đại học Havard, Viện Công nghệ Massachusetts, gồm các cuộc điều tra xã hội học, những công thức tính toán phức tạp, đã được công bố rộng rãi trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, theo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu xã hội học nào về tác động của phim ảnh đến hành vi của người xem.

Thật ra với bất kỳ một bộ phim nào cũng vậy, sẽ bao hàm trong đó cả những mảng sáng-tối, sự đan xen thiện-ác, ẩn chứa nhiều bức thông điệp khác nhau. Và dĩ nhiên, việc một bộ phim có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến xã hội là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí nhiều khi nằm ngoài chủ ý của các nhà làm phim. Nhưng nếu nói phim ảnh khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng thì quả là một sự quy chụp đầy khiên cưỡng.

Đổ lỗi cho “Người phán xử”, vậy những tác phẩm nổi tiếng thế giới từ lâu cũng về đề tài này như “Bố già”, “Sự im lặng của bầy cừu”, “Fast and Furius”… thì sao? Liệu có phải các bộ phim này cũng là tác nhân khiến tình trạng tội phạm gia tăng? Và cần phải cấm triệt để?

Chẳng phải ngẫu nhiên mà “Người phán xử” từng được chọn chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia và được nhận giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng của năm. Bộ phim khai thác những mảng sáng tối trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của giới xã hội đen hiện đại, nhưng bên cạnh đó còn mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình với câu thoại ấn tượng: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng”.

Phim ảnh có nhiều giao điểm với cuộc sống, phim ảnh phản ánh cuộc sống nhưng không phải cuộc sống. Để dễ hình dung thì có thể coi phim ảnh như vòng tròn nhỏ nằm trong vòng tròn lớn là hiện thực. Đánh đồng phim ảnh với đời sống phải chăng là đã đề cao quá mức vai trò của loại hình nghệ thuật này, trong khi đó, trình độ người xem lại bị hạ thấp một cách đáng ngạc nhiên? Không thể cứ tìm cách đổ lỗi mà quên mất một điều rằng – cái gốc của vấn đề nằm ở giáo dục, giáo dục từ gia đình, xã hội, chứ không phải ở phần ngọn là phim ảnh.

Tất nhiên, nghệ thuật phải mang tính định hướng thẩm mỹ, chúng ta không cổ súy cho phim ảnh bạo lực, tệ nạn, nhưng quan trọng là phải phân định rõ đằng sau đó thì đâu là thông điệp mà người xem có thể nhận lại từ bộ phim?

Luật Điện ảnh đang được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Điều này rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng quá trình sửa đổi - với bất cứ một điều luật nào cũng vậy, cần có những góp ý xác đáng, đi đúng bản chất vấn đề, làm sao để luật có thể điều chỉnh được các hoạt động của lĩnh vực đó chứ không phải kìm hãm, hạn chế sự phát triển và sáng tạo nghệ thuật.

Phát biểu của vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khiến dư luận băn khoăn về chất lượng đóng góp ý kiến xây dựng luật tại nghị trường. Và những điều nghệ sỹ NSND Trung Anh (người đóng vai Lương Bổng trong phim "Người phán xử") bày tỏ đã ít nhiều bộc lộ sự lo lắng này: "Phát ngôn của vị Thiếu tướng sẽ ảnh hưởng tới không chỉ một bộ phim mà còn rất nhiều vấn đề xung quanh nữa, bởi làm về luật Điện ảnh, phát ngôn này rất ảnh hưởng tới toàn ngành".