Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin nam TikToker V.M.L ngồi xe lăn có trải nghiệm không tốt tại hai quán ăn ở Hà Nội. Cụ thể, theo bài đăng của V.M.L, tại quán ăn thứ nhất có bậc tam cấp, khi bạn gái đi cùng nhờ người đưa V.M.L vào trong, nhân viên của quán bảo “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”. Quán thứ hai là một quán phở gà quen thuộc ở phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo V.M.L, vì quán chật chội nên xe lăn phải chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng dẫn đến bị miệt thị “ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”.

Dòng chia sẻ của V.M.L nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ sự thương cảm, thậm chí chỉ trích hai quán ăn này thì nhiều người cũng hoài nghi về độ xác thực của thông tin. Trả lời báo chí ngay sau đó, bà T. (73 tuổi, chủ quán phở) khẳng định mình không hề đuổi hai vị khách này như thông tin trên mạng. Khi trích xuất camera, những hình ảnh được công khai cho thấy, diễn biến sự việc cũng không khớp với lời TikToker V.M.L viết trên Facebook. Từ đây, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự thất vọng, bức xúc về cách tạo dựng câu chuyện của nam TikToker này.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể, V.M.L mong muốn được chú ý nhiều hơn nên anh đã cố tình làm như vậy, dẫn đến câu chuyện sai sự thật. Trên thực tế, đúng là có một số người bán hàng ở Hà Nội chưa thực sự quan tâm văn hóa ứng xử cũng như văn minh trong giao tiếp nhưng chưa bao giờ thấy xảy ra trường hợp như thế này. Thậm chí, có những chủ quán hơi thẳng thắn khi hỏi thực khách như: "ăn gì?", "mấy suất?" nhưng họ vẫn phục vụ tốt.

Sức ảnh hưởng của các TikToker ngày càng lớn. Tuy nhiên, càng có tầm ảnh hưởng, càng cần phải cẩn trọng, khi nói gì, làm gì cần đặt chữ tâm và đạo đức lên trên hết. Dù có muốn câu "view" nhưng nên tránh trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của người khác.

"Một lời nói ra bốn ngựa đuổi không kịp". "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nói bất kỳ điều gì, để tạo lòng tin và gây thiện cảm với người khác, đặc biệt là tránh xúc phạm hoặc làm xấu đi mối quan hệ với những người xung quanh.

Câu chuyện này cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ và rồi nó cũng sẽ biến mất, giống như những câu chuyện “bóc phốt” đã từng “lùm xùm” trước đây trên mạng xã hội. Điều đọng lại ở đây là những nhà sáng tạo nội dung cần phải văn minh, không nên lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để thỏa mãn sự “nổi tiếng ảo” vì cái tôi cá nhân quá lớn, không nên để những "con số" chi phối quan điểm làm nghề của mình.

Các quán ăn cũng xem đây là bài học để thay đổi cung cách phục vụ bởi đây là nghề làm dâu trăm họ. Nếu ứng xử thiếu văn hóa, hách dịch, thái độ phục vụ không tốt, thiếu tôn trọng khách hàng thì chẳng khác nào tự đạp đổ đi bát cơm của mình.