Những ngày vừa qua, câu chuyện NSUT Xuân Bắc với bài viết dài đầy ẩn ý trên trang cá nhân ám chỉ khán giả “ngu” và “vô ơn” khi chê bai chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2023, khiến dư luận “dậy sóng”. Nam nghệ sĩ kể câu chuyện “ngụ ngôn thời hiện đại” về một người mẹ Tết nào cũng gói bánh chưng cho cả gia đình, nhưng con trai bà - một người đàn ông đã đón hơn 50 cái Tết, giỏi chữ nghĩa, tự nhận bản thân “gói bánh (chưng) rất ngu” nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói. Cuối cùng anh ta nhận cái tát của mẹ rồi nghe bố giáo huấn điều hay lẽ phải. Xuân Bắc kết thúc chuyện của mình bằng câu “Cả nhà tôi xong bữa cơm đêm 30 vào đúng lúc kết thúc chương trình Táo quân trên VTV3".

Đa số người đọc đều nhận ra, nam danh hài ví người mẹ gói bánh chưng là ê-kíp làm Táo Quân, còn người con trai hỗn láo "ăn cháo đá bát" chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những khán giả chê bai “Táo Quân”. Kể cả Xuân Bắc phủ nhận sự ví von này, thì trong vai trò là một người sản xuất nội dung, anh đưa thông điệp để số đông hiểu như vậy có nghĩa đó đúng là ý của anh. Và đó là điều hoàn toàn không nên làm, nếu không muốn nói là khó có thể chấp nhận với một nghệ sĩ, một “người của công chúng”.

Thứ nhất, là một nghệ sỹ, đi hơn thua với công chúng của mình, chửi khán giả “ngu” thì anh quá sai! Phải chăng chỉ những người trong ngành, có hiểu biết chuyên môn diễn kịch, diễn hài… mới được quyền chê, còn khán giả thì không? Khen, chê, nêu quan điểm, ý kiến, góp ý…là quyền của công chúng, của khán giả. Ngay ở các lĩnh vực khác cũng vậy. Cổ động viên, người hâm mộ có cần đá bóng giỏi như cầu thủ mới được quyền chê cầu thủ đá không hay? Thực khách có cần nấu ngon như đầu bếp để góp ý về mùi vị một món ăn? Ai cũng có quyền nêu ý kiến về một điều gì đó, đặc biệt là chất lượng sản phẩm dịch vụ trên tư cách người mua hàng, người thụ hưởng sản phẩm dịch vụ.

Thứ hai, nếu Xuân Bắc có ý ví von nghệ sỹ “là cha là mẹ”, còn công chúng “là con” thì đây là một cách nói quá trịch thượng trong mối quan hệ nghệ sỹ - khán giả. Khán giả là người bỏ tiền ra để thụ hưởng dịch vụ, vì vậy có quyền nêu ý kiến về chất lượng sản phẩm dịch vụ. Đừng nói chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2023 là miễn phí! Chương trình đó được Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, với nguồn lực một phần từ ngân sách nhà nước, cũng có nghĩa là tiền thuế của dân. Vậy cớ gì ngưởi dân bỏ tiền ra xem lại không được quyền khen, chê? Huống hồ dư luận rất công tâm! Những chương trình Táo quân hay trước kia đều được khen ngợi, tung hô hết lời! Phải chăng Xuân Bắc chỉ quen nghe lời khen mà không thể nghe lời chê về chất lượng vở diễn của mình?

Nghệ sĩ là những người làm nghệ thuật, điều đó không có nghĩa nghệ sĩ được tự cho mình cái quyền “ban phát” nghệ thuật cho công chúng và công chúng chỉ được hàm ơn, không được phản ứng.

Xuân Bắc có quyền phản bác lại những ý kiến chỉ trích thái quá nhắm vào anh và ekip Táo quân, nhưng không có nghĩa là anh có thể phản ứng một cách trịch thượng như thế, nhất là khi anh là người nổi tiếng và hơn thế, còn là người đứng đầu một nhà hát thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch, những người có sứ mệnh định hướng cái đẹp và nghệ thuật chân chính cho công chúng.

Khen – chê là chuyện không hiếm trong nghệ thuật biểu diễn! Bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh” cũng từng bị chê tơi bời ngay trong những ngày đầu ra mắt, nhưng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi đó chỉ nói: “Tôi quan điểm rằng, sau khi bộ phim hoàn tất, phần còn lại thuộc về khán giả. Việc khán giả yêu hay ghét bộ phim, đều đúng. Đó là cảm xúc của họ. Tôi không thể phán xét cảm xúc của người khác”.

Diễn viên Quách Thu Phương khi hứng chịu những chỉ trích của khán giả với bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” cũng đã có cách phản ứng hết sức nhã nhặn khi bày tỏ mong muốn khán giả hãy xem phim thật văn minh, bởi “những sự hy sinh phía sau những khung hình mà quý vị xem là không gì có thể kể hết”.

Một nghệ sỹ, muốn nhận được sự tôn trọng của công chúng, thì chất lượng sản phẩm nghệ thuật là không đủ, mà cách hành xử, phẩm chất, đạo đức, những cống hiến ngoài chuyên môn cho xã hội, cũng rất quan trọng. Hình ảnh nghệ sỹ kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn hay rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ khác trong giai đoạn chống dịch Covid-19 vẫn in sâu trong lòng công chúng là vì thế!

Biểu diễn là nghề “làm dâu trăm họ”, nên chúng ta hoàn toàn thấu hiểu cho những áp lực của họ trước công chúng, đặc biệt trong môi trường dư luận hiện nay vốn thích chỉ trích nhiều hơn động viên. Nhưng cũng không thể vì thế mà “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”, như vậy chẳng phải là kém văn hóa sao?

“Nghệ sỹ - muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được những điều không ai chịu được” - Làm nghệ sỹ, khó là vì thế! Khó hơn nữa là khi đạt được “ngôi vị” nào đó vẫn phải giữ được thái độ khiêm nhường, đâu thể tự coi mình là “đẳng cấp” mà quay ra coi thường khán giả. Nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật là để phục vụ, cống hiến chứ không phải ban phát cho công chúng mà cho thế nào hưởng thế ấy. Không hiểu rõ điều đó, chẳng phải bản thân tự dẫn mình vào ngõ hẹp hay sao?