Cách đây ít năm, có dịp trò chuyện cùng một nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam tại ĐH KonKuk, Hàn Quốc, ấn tượng mà họ để lại trong tôi là lòng yêu nước và sự trăn trở hướng về Tổ quốc.

“Một lúc nào đó em sẽ trở về Việt Nam. Vì mình nghiên cứu ở đây, dù có tên mình thì nhóm nghiên cứu vẫn thuộc trường đại học của họ, vẫn thuộc quốc gia họ. Thế nên dù người Việt Nam ở đâu cũng rất giỏi nhưng vẫn không ai biết đến Việt Nam mình”- H, một nghiên cứu sinh chia sẻ.

Trong tâm trí họ thực sự đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa về và ở lại, bởi “Nếu trở về thì không có môi trường tốt để nghiên cứu. Cái gì cũng phải xin cho. Hơn nữa, về mà chỉ giảng dạy không nghiên cứu thì coi như không còn làm khoa học nữa. Chỉ 2-3 năm không có công trình nghiên cứu nào thì thế giới người ta không còn coi là nhà khoa học nữa…”

Lúc ấy tôi đã ngạc nhiên khi kinh tế, thu nhập không phải lý do hàng đầu để những nghiên cứu sinh trẻ tuổi quyết định ở lại dù họ đang mang gánh nặng phải lo cho gia đình, vợ con và bố mẹ già ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là môi trường làm việc mới là rào cản, là nguyên nhân họ phải đắn đo để trở về quê hương.

Rào cản cụ thể ở đây là những cơ chế ràng buộc khiến việc nghiên cứu khoa học trong nước “chả giống ai”, khiến những người vốn ra đi từ môi trường nghiên cứu trong nước phải ngán ngẩm khi nghĩ đến chuyện quay về.

Trên thực tế, việc đầu tư dàn trải, nhỏ giọt cho nghiên cứu khoa học ở nước ta khiến nguồn kinh phí cho một công trình nghiên cứu đã thiếu lại không kịp thời. Tổng chi cho nghiên cứu khoa học lên đến 2% GDP nhưng tính trung bình mỗi công trình chỉ được đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng. Ấy là còn chưa nói, đến khi nghiên cứu xong, hoàn thiện các thủ tục, quy trình thanh quyết toán là thêm cả một công đoạn khổ sở vất vả với các nhà khoa học.

Bó buộc là thế, quy định chặt chẽ là thế nhưng “lỗ hà ra lỗ hổng”, lãng phí vẫn hoàn lãng phí. Chi phí thực chất cho nghiên cứu phát triển (R&D) chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng chi phí dành cho khoa học công nghệ, còn phần lớn vốn đầu tư ngân sách nhà nước dành cho việc duy trì hệ thống quản lý, nhân lực, đầu tư hạ tầng, hội họp… Thậm chí, mỗi công trình nghiên cứu thất thoát phần trăm “hoa hồng” từ 25-50% như thực trạng một đại biểu Quốc hội đã từng nêu tại nghị trường. Người làm nghiên cứu thực sự thì không có kinh phí nhưng lại khối kẻ làm giàu từ nghiên cứu khoa học.

Ở các nước phát triển, khoa học công nghệ là nền tảng phát triển của một quốc gia. Với các nước có bước phát triển thần kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc thì khoa học công nghệ là cây đũa thần giúp quốc gia bứt phá.

Và để có sự phát triển bứt phá, họ đã dám đầu tư mạnh và chấp nhận những rủi ro, mạo hiểm, nghĩa là đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo đột phá, cho những nhóm nghiên cứu hàng đầu.

Nhưng với những cơ chế “chặt” mà “lỏng” như hiện nay, liệu chúng ta có dám chấp nhận rủi ro, đầu tư cho những ý tưởng mới mẻ đầy sáng tạo và liệu chúng ta có dám tin vào các nhà khoa học?

Đã có một thời gian dài, rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học ra đời mà không mang lại hiệu quả nào, thậm chí, đề tài nghiệm thu xong chỉ để "xếp ngăn kéo". Có lẽ thế chăng nên nỗi sợ hãi căn bệnh lãng phí kinh niên đang khiến chúng ta nhầm lẫn giữa rủi ro với lãng phí, giữa mạo hiểm có mục đích với mất tiền đầu tư kiểu “rải mành mành”.

Do đó, hơn lúc nào hết, cần một cơ chế đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Một cơ chế mà người làm khoa học thực thụ yên tâm không bị phiền phức, bị làm khó dễ theo kiểu xin-cho và không phải chờ đợi. Một cơ chế mà kinh phí bỏ ra phải thực sự dành cho việc nghiên cứu và người làm nghiên cứu. Một cơ chế mà những ý tưởng mới, những ý tưởng mạo hiểm, những lĩnh vực còn mới lạ không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới được mạnh dạn đầu tư, được nghiên cứu đến nơi đến chốn, có hiệu quả.

Cây đũa thần Khoa học công nghệ đang bị giam trong chiếc lồng cơ chế. Nó đang chờ được giải phóng để mang lại những điều kỳ diệu cho sự phát triển của quốc gia.