Con số 5 đến 10% sinh viên năm thứ nhất ở các trường Đại học bỏ học vì chọn sai ngành là con số báo động đối với công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp của chúng ta.

Việc sinh viên bỏ học do chọn sai ngành không chỉ gây lãng phí về tài chính, lãng phí về thời gian mà còn gây những hệ lụy cho chính các em bởi sau khi thất vọng về ngành học thì không phải em nào cũng đủ nghị lực “làm lại từ đầu”.

Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh những năm gần đây có nhiều tiến bộ nhưng mới chỉ dừng ở “bóc ngắn, cắn dài”, chủ yếu cho đủ chỉ tiêu mà chưa tính toán cho sự phát triển bền vững của cá nhân người học cũng như cơ cấu ngành nghề trong xã hội.

Sức ép, áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh, khiến cho nhiều trường ĐH, CĐ sẵn sàng “nộp phạt” khi tuyển sinh quá số lượng nhất là đối với những ngành được cho là “hot”. Trong khi, ngày càng có ít sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản mặc dù nhóm ngành này đang rất cần những chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Có những ngành đào tạo khoa học cơ bản rất tiềm năng nhưng số lượng giảng viên còn nhiều hơn sinh viên, đến nỗi nhà trường phải tìm nhiều giải pháp để “sắp xếp công ăn việc làm”. Trong khi, những ngành “hot” lại quá đông đảo khiến tỷ lệ giảng viên/sinh viên không đảm bảo.

Chưa kể, những ngành “hot” điểm chuẩn đầu vào bị đẩy lên cao sẽ thu hút những học sinh giỏi, trong khi những khối ngành nòng cốt phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước lại rơi vào cảnh èo uột, “vơ bèo, vạt tép” khi tuyển sinh.

Việc thí sinh chạy theo thị hiếu đám đông, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt thời nào cũng có. Những năm 90, cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực Đông Nam Á đã kéo theo hàng loạt cử nhân ngành học tài chính- ngân hàng này rơi vào cảnh thất nghiệp. Mặc dù, trước đó đây là ngành luôn có sức hấp dẫn rất lớn đối với thí sinh. Trong khi những sinh viên theo học ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản luôn có việc làm ổn định và bền vững thì các cử nhân tài chính ngân hàng lại rơi vào cảnh bán hàng thuê hoặc đi học tiếp “chờ ngày mai tươi sáng”.

Cạnh tranh giúp xã hội phát triển nhưng trong việc định hướng nghề nghiệp và cân đối cung cầu nhân lực thì đôi khi cạnh tranh lại gây ra những hậu quả lâu dài.

Câu chuyện chọn ngành học, định hướng nghề nghiệp khiến chúng ta nhớ đến câu nói “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của cổ nhân. Câu nói này là sự đúc kết, là chân lý cho mọi thời kỳ xã hội.

Trong số hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin, khoa học máy tính có mấy người thực sự trở thành những chuyên gia tin học, những Steve Job, Nguyễn Tử Quảng, Trương Gia Bình… Trong khi đó nếu theo học những ngành, nghề thực sự phù hợp với sở thích, năng lực và đam mê sẽ giúp phát triển hết khả năng của bản thân, giúp ích cho gia đình và có những đóng góp thiết thực cho xã hội.