Tối muộn cách đây ít hôm, tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm của con. Như mặc định cho mình ở thế yếu, cô mong muốn tôi ủng hộ một chủ trương của nhà trường. Cuộc điện thoại khiến tôi có chút bất ngờ và bối rối.

Thực ra, chuyện không có gì to tát. Đó là nhiều phụ huynh trong lớp tỏ ra không hài lòng khi việc đóng các khoản tiền học hàng tháng cho con thay vì chuyển thẳng vào tài khoản nhà trường thì nay, phải thông qua một dịch vụ thứ ba, khiến phụ huynh phải mất thêm thời gian cài đặt dịch vụ, liên kết thẻ, nạp tiền…

Với tôi, việc chuyển tiền này dù có phiền hà đôi chút nhưng không có gì là khó. Chuyện chỉ là khi đọc tin nhắn của một phụ huynh trong nhóm ca ngợi dịch vụ hết lời thì tôi… sực cười và để lại bình luận đại ý, giờ ngân hàng nào chả tích hợp các dịch vụ này, lẽ nào mấy năm qua, chúng ta đóng học phí cho con bằng tiền mặt?

Có lẽ do đọc được tin nhắn này, cô giáo chủ nhiệm cho rằng tôi là người đang phản đối chủ trương của nhà trường nên gọi điện thoại mong tôi thông cảm: “Các chị cũng khổ lắm em ạ! Ai cũng kêu chỉ có đóng học phí thôi cũng phải lòng vòng nhưng không dám phản ánh vì chủ trương ở trên đưa xuống, giáo viên phải triển khai. Chị mong em ủng hộ và xóa tin nhắn”.

Cúp điện thoại, tôi có chút băn khoăn khi chuyện nhỏ, tưởng như chẳng có gì to tát mà các cô cũng sợ, không dám bảy tỏ ý kiến!

Tuần trước, tại một diễn đàn giáo dục lớn, khi bàn đến vấn đề “nóng” giáo dục là chương trình và sách giáo khoa mới, một giáo sư có uy tín trong ngành giáo dục có nói, khi sự cố xảy ra với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, chúng ta đã để mặc truyền thông mổ xẻ vấn đề mà những người trong cuộc là giáo viên, nhà quản lý giáo dục ở các trường học lại không lên tiếng.

Đáp lời, một diễn giả khác tại diễn đàn cho rằng, chúng ta may mắn vì sự cố sách giáo khoa vừa qua được chính phụ huynh, truyền thông phát hiện và lên tiếng, trong khi hàng nghìn giáo viên đang dạy bộ sách này im lặng.

Sự im lặng của giáo viên trước vấn đề lớn và thậm chí, cả các vấn đề nhỏ và rất nhỏ, có lẽ do phải chịu quá nhiều áp lực vô hình. Áp lực sổ sách, thành tích, thi đua, đổi mới, sáng tạo, rồi chuyện cơm áo… và cả những áp lực mà giáo viên thường rỉ tai nhau là từ “trên đưa xuống”.

Trong cuốn sách “Nghề giáo” của nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng Hoàng Đạo Thúy có câu viết về sứ mệnh người thầy như thế này:

“Chúng ta không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta làm thầy! Cái huy hiệu bao nhiêu vinh hạnh thanh cao. Nhưng nó chỉ có được, khi chúng ta biết cả cái trách nhiệm nặng nề cho mình quan hệ cho Tổ quốc.”

Mấy mươi năm, những lời cụ Hoàng Đạo Thúy nói về sứ mệnh người thầy còn nóng hổi, vẹn nguyên.

Dù biết là khó nhưng sứ mệnh người thầy, có lẽ bắt đầu từ điều tưởng như đơn giản nhất là không im lặng và sẵn sàng lên tiếng, nhất là trong bối cảnh cần có sự đổi mới mạnh mẽ nhưng phù hợp với thực tiễn của giáo dục Việt Nam hiện nay.