“Văn hóa từ chức” có lẽ giờ đã là cụm từ quen thuộc với nhiều người, quen từ trong đời sống, trên các phương tiện truyền thông, cho đến các báo cáo, văn kiện và cả tại nghị trường Quốc hội.

Nhưng, nghe thì “quen”, thực tế hình như cũng mới chỉ dừng ở khái niệm. Bởi dường như từ chức - một việc bình thường ở nhiều nước thì xem ra ở ta vẫn cứ là cái gì đó “bất thường”.

Thế nên, thi thoảng dư luận lại được dịp xôn xao chuyện người này, người kia xin từ chức, rồi bao năm, bao người vẫn cứ trở đi trở lại với câu hỏi “Việt Nam có văn hóa từ chức hay không?”.

Lật giở lại lịch sử dân tộc để thấy, từ thời xa xưa, chúng ta đã không thiếu những bậc sĩ phu, đại thần sẵn sàng khẳng khái “treo ấn, từ quan" dù đang ở ngôi cao, chức trọng… Đến thời sau này, cũng có những cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước xin rút khỏi vị trí lãnh đạo sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý.

Như vậy để minh chứng một điều “Việt Nam có văn hóa từ chức”, chỉ có điều liệu bao nhiêu người có được cái văn hóa ấy?

Từ chức phải là “chuyện bình thường”. Nhưng liệu có thể “bình thường” được không khi mà chạy chức, chạy quyền vẫn đã, đang là một vấn nạn nhức nhối? Khi mà tư duy kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” còn hằn sâu trong nếp nghĩ, cách sống của rất nhiều người?

Và cũng bởi thế mà chẳng có mấy cán bộ chủ động xin từ chức khi thấy mình làm sai, làm chưa tốt, không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người tham quyền cố vị, tìm mọi cách khư khư giữ ghế, trong khi luôn ngụy biện “làm vì Đảng, vì dân, vì tinh thần trách nhiệm”.

Lại cũng có không ít trường hợp “bị động” từ chức, nghĩa là, chỉ chấp nhận từ chức khi đã ở vào thế “không từ không được”. Từ chức kiểu này, thử hỏi có khác nào một phương cách để trốn tội, thoát tội?

Trong Luật Cán bộ, công chức đã quy định: “Cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ, hoặc vì lý do khác chính đáng, thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Còn tại Nghị quyết 26 của Đảng (năm 2018) cũng nêu rõ: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

Có nghĩa là những quy định về từ chức đã không còn chung chung, mơ hồ… mà được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước. Vấn đề còn lại – quan trọng hơn, vẫn là ý thức trách nhiệm, thậm chí, là sự tự trọng của mỗi người.

Chỉ khi nào cán bộ dám nhìn thẳng, nhìn thật, đủ dũng khí để coi “từ chức” là “chuyện bình thường”, thì khi ấy, “văn hóa từ chức” mới không còn là câu chuyện trên giấy.