Các cụ ta có câu "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", vậy mà, cũng là người một nhà mà anh chị em người phụ nữ ấy bây giờ chẳng ai nhìn mặt ai. Viết thư về chương trình, bà chia sẻ câu chuyện gia đình mình như thế này:

Gia đình bố mẹ chồng tôi sinh được 5 người con. Chồng tôi là con trai cả. Sau anh còn 2 cậu em trai và 2 cô em gái. Cậu em thứ 2 mất năm lên 4 tuổi. Tôi về nhà chồng từ năm 1959, khi đó bố chồng tôi đã mất. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cậu em còn lại của chồng tôi xin nhập ngũ năm 1964, ngay sau đó một năm, chồng tôi cũng xin tái ngũ. Cả hai anh em cùng lên đường vào chiến trường miền Nam chống Mỹ. Ở nhà chỉ còn lại mẹ chồng, 2 cô em gái, tôi và đứa con nhỏ cùng nhau sinh sống. Mẹ chồng tôi hay đau yếu và đi lại khó khăn. Song do điều kiện kinh tế khó khăn nên đến cuối năm 1966, tôi đã xin mẹ chồng được thoát ly làm công nhân xí nghiệp may mặc Thái Bình. Khi ấy, chúng tôi cũng chưa biết tin tức gì về chồng và cậu em trai. Sau đó ít lâu thì nhận được giấy báo tử của cả hai anh em. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát không gì so sánh bằng đối với gia đình tôi.

Vợ chồng tôi có hai người con, con gái đầu lòng được 4 tháng tuổi thì mất. Còn cậu con trai thứ hai của chúng tôi năm nay cũng đã 60 tuổi và cũng là cháu đích tôn duy nhất, người phụ trách thờ tự tổ tiên của cả gia đình.

Năm 1971, cô em gái thứ 4 của chồng tôi đi lấy chồng và ở nơi khác. Sau đó một năm, cô út cũng lấy chồng, người xã khác nhưng là giáo viên trường ở xã nhà. Do nhà trường không có điều kiện chỗ ở cho giáo viên nên gia đình tôi đã đồng ý cho vợ chồng cô út ở cùng với mẹ chồng tôi để vợ chồng cô ấy vừa có chỗ ở, vừa kết hợp trông nom mẹ chồng tôi. Đến năm 1979, mẹ chồng tôi qua đời, bà được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bản thân tôi vì việc cơ quan nên không thể về lại căn nhà của gia đình để ở, khi đó vợ chồng cô út cũng đông con, kinh tế khó khăn nên chúng tôi thống nhất vẫn để gia đình cô út sinh sống tại đó.

Đến năm 2020, gia đình cô út đã xây nhà và chuyển hẳn về quê chồng sinh sống. Giờ đây kinh tế rất khá giả, con cái đều đã phương trưởng, cô chú ấy về xây nhà thờ tổ và phụng sự tổ tiên bên nội. Khi ấy, em rể có nói với con trai tôi rằng “Cô chú về quê, mảnh đất cha ông để lại cho cháu, cháu giữ lấy làm nơi thời cúng”. Các con của cô út cũng nói “Sau này anh vào đây mà thờ cúng ông bà tổ tiên”. Đây thực sự cũng là tâm nguyện của mẹ con tôi nên đã về sửa sang, làm ngõ, xây dựng lại ngôi nhà làm nhà thờ tự các cụ.

Đến nay, khi giá đất luôn thay đổi và không biết vì một lý do nào đó mà gia đình cô út lại thay đổi. Chú thì tuyên bố “Đất đã mang tên của cô chú ấy”. Trong khi, việc cô chú ấy sang tên đất như thế nào mẹ con tôi cũng như gia đình cô thứ 4 không hề hay biết. Còn con gái cô út giờ cũng quay ra chỉ trích mẹ con tôi tham lam, muốn những thứ không thuộc về mình.

Ngày giỗ bố mẹ chồng tôi vừa qua, tôi đã lên tiếng, cô chú muốn giữa lại nhà thì để lại cho cháu 1 phần đất nhỏ còn trống để cháu làm 1 gian nhà nhỏ làm nơi thờ tự. Vậy mà cô út nổi xung và tuyên bố từ mặt chị rồi bỏ về. Ngày 27/7 vừa rồi, chị em gặp nhau trên nghĩa trang liệt sĩ để thắp nén hương cho chồng và cậu em trai chồng tôi mà coi nhau như người xa lạ. Thế là tình cảm gắn bó mấy chục năm trời không còn nữa.

Tôi nghĩ với một gia đình trí thức như cô chú ấy, đều là giáo viên, quân nhân, cán bộ nhà nước mà cô chú ấy và các cháu lại cư xử với mẹ con tôi như vậy. Việc mẹ con tôi muốn lấy lại một phần đấtcủa cha ông để lại làm nơi thờ tự cũng đâu có gì là sai. Trong khi gia đình hiện giờ chỉ còn lại 2 cô và mẹ con tôi, con tôi cũng là cháu đích tôn duy nhất. Giờ tôi chẳng biết phải làm sao nữa?

Các bạn có thể chia sẻ, góp ý với nhận vật bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính), hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện.

Mời các bạn nghe BTV chương trình thay lời nhân vật kể lại câu chuyện: