Ở một số gia đình, khi người chồng làm chủ kinh tế đều mong muốn vợ sẽ lui về làm hậu phương vững chắc, chăm lo con cái, nhà cửa. Cũng từ đây, không ít mâu thuẫn đã xảy ra. Người chồng đi làm phải chịu nhiều áp lực cơm áo gạo tiền, người vợ ở nhà cũng phải gồng gánh áp lực không kém. Đã vậy, chồng lại thường xuyên lao vào các cuộc nhậu rồi trở về lại xúc phạm, chửi đánh vợ con. Trong trường hợp này nên cố gắng nhẫn nhịn hay kết thúc cuộc hôn nhân này?

Sau khi câu chuyện được phát sóng đã nhận được chia sẻ từ các thính giả gần xa:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi điều muốn chia sẻ với nhân vật như thế này:

“Phụ nữ phải yêu lấy bản thân mình”, “Mình không thương mình thì đợi ai thương mình”… Có lẽ bạn đã từng nghe, từng đọc những câu nói này ở đâu đó rồi phải không? Không biết bạn có suy nghĩ như thế nào, nhưng với tôi, đó chính là những điều mà tôi luôn nhắc nhở mình hàng ngày. Thật vậy, trước khi muốn người khác thương mình thì bạn phải học cách thương lấy mình bạn ạ. Bởi, cuộc đời này nói dài thì rất dài, nhưng nói ngắn thì cũng rất ngắn, đừng tự ngược đãi bản thân vì những điều không đáng, vì những suy nghĩ cổ hủ, vì những trói buộc định kiến.

Tôi hiểu rằng, con bạn còn quá nhỏ, bạn sợ rằng nếu chia tay lúc này con bạn sẽ không có được tình yêu thương trọn vẹn của cả cha lẫn mẹ. Thế nhưng, bạn hãy thử suy nghĩ xem, con trẻ sẽ học được gì từ người cha rượu chè, vũ phu, thường xuyên đánh chửi mẹ nó chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Với bố mẹ bạn, bạn cũng lo rằng bố mẹ sẽ đối diện như thế nào với họ hàng, làng xóm. Tôi thì lại nghĩ rằng, cuộc sống hiện đại rất nhiều quan niệm đã thay đổi, bạn đừng tự trói buộc mình bởi những điều xưa cũ. Hơn nữa, liệu biết được chồng bạn năm lần bảy lượt chửi mắng bạn như vậy, thì bố mẹ bạn có yên tâm để con mình sống cùng người đó trọn đời không?

Bạn có nói anh ấy biết lo cho kinh tế gia đình, tuy nhiên, không thể vì thế mà anh ấy cho mình cái quyền được chửi mắng vợ. Có lẽ bạn hiện giờ đang phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào chồng nên bạn có tâm lý “mang thân tầm gửi”, những lời khuyên can của bạn không có trọng lượng thậm chí trở thành sự phiền phức nên chồng bạn mới cư xử như vậy. Tôi không cho rằng khi bạn bầu bì, sinh nở, vợ chồng không gần gũi, thân mật khiến chồng bạn thay đổi, mà đây chính là tính cách thật, con người thật của anh ấy, chẳng qua thời gian tìm hiểu của vợ chồng bạn quá ngắn để bạn có thể phát hiện ra mà thôi.

Bạn muốn một lần nữa tha thứ cho chồng, điều đó cũng dễ hiểu thôi, nhưng với những chuyện đã xảy ra thì bạn có chắc rằng sau này anh ấy không có những hành động nặng nề hơn đối với bạn. Tôi lo sợ rằng, nó sẽ không dừng lại ở những cái dúi đầu, những câu chửi rủa. Ngay lúc này, bạn cần có cuộc trò chuyện thẳng thắn và đưa ra một vài quy định với chồng, nếu thêm một lần nào nữa, anh ấy xúc phạm, đánh chửi bạn thì sẽ là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân này. Bởi cái gì cũng cần có giới hạn của nó.

Còn về phía mình, bạn cũng cần phải thay đổi. Đúng là phụ nữ khi mang thai, sinh nở rồi chăm con nhỏ, tâm sinh lý ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Đôi khi chỉ vì một câu nói, một chút thiếu quan tâm cũng khiến mình trở nên nhạy cảm, dễ xúc động, dễ nổi nóng. Bạn cần giữ bình tĩnh, cần kiểm soát cảm xúc hơn. Thêm nữa, bạn cũng nên có những hoạt động thể chất, tinh thần phù hợp và chăm chút cho bản thân mình hơn, biến cuộc sống hàng ngày càng ngày trở nên thú vị hơn, có thể đơn giản bằng những bản nhạc tươi vui, nhẹ nhàng để khởi động một ngày mới.

Bên cạnh đó, bạn còn trẻ, như bạn nói thì bạn vốn dĩ là một cô gái năng động, nhiệt huyết, chịu khó, dù chồng có nói anh ấy có khả năng nuôi bạn và con, thì tôi nghĩ bạn cũng không nên chỉ quanh quẩn ở nhà lo nội trợ. Một công việc không chỉ giúp bạn tự chủ kinh tế, mà còn khiến bạn có những mối giao thiệp, mối quan tâm bên ngoài để cuộc sống của mình có nhiều trải nghiệm hơn. Việc bạn chỉ ở nhà khiến cuộc sống của bạn gói gọn trong bốn bức tường, và chồng là mối bận tâm duy nhất, chính vì vậy, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, bất mãn khi anh ấy không quan tâm đến bạn. Có thể bây giờ con còn quá nhỏ, bạn chưa thể đi làm, nhưng khi con lớn hơn chút, bạn hoàn toàn có thể nhờ bà ngoại chăm sóc con để kiếm cho mình một công việc và không cần phải phụ thuộc vào ai.

Rất nhiều câu chuyện tôi được nghe, được chứng kiến, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn khi một người đi làm và một người ở nhà. Người đi làm cũng chịu áp lực và người ở nhà cũng áp lực không kém. Đáng lý hai người cần chia sẻ, động viên, hỗ trợ nhau để vượt qua khó khăn, nhưng đằng này, vợ chồng bạn ai cũng chỉ nghĩ cho cái tôi của mình, chỉ nghĩ đến điều mà mình đang muốn ở đối phương để rồi buông lời xúc phạm lẫn nhau. Thiết nghĩ, để hôn nhân của bạn trở nên dễ chịu hơn, thoải mái hơn và có thể gắn kết với nhau lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng thay đổi rất lớn từ hai vợ chồng bạn. Hi vọng với những phân tích, góp ý, chia sẻ của tôi cũng như các quý thính giả, bạn sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn cho bản thân mình./.