Các thành viên trong gia đình không còn quan tâm, thăm hỏi nhau chỉ vì quan điểm cúng giỗ khác nhau. Điều đó khiến cháu đích tôn - người chịu trách nhiệm chính về việc thờ cúng ông bà, tổ tiên trong gia đình rất băn khoăn và viết thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để nhờ thính giả gần xa góp ý:

Tôi là cháu đích tôn của một đại gia đình. Ông nội tôi lấy 2 vợ và có 10 người con: 4 nam, 6 nữ.

Ông nội tôi đã mất từ lâu. Bố tôi là con của bà cả. Sau khi ông mất, bà vẫn sống cùng chúng tôi. Còn bà hai thì ở cùng chú thứ ba – là con trai cả của bà. Bố tôi trước đây đi bộ đội và bị địch bắt tù đày. Từ đó về sau, sức khỏe của bố không được như trước. Cách đây 8 năm, bố tôi qua đời. Bốn năm trước, bà nội hai của tôi mất do tuổi già, sức yếu. Hai năm sau, bà nội tôi qua đời.

Bố tôi là con cả trong nhà nên trước đây, mọi việc cúng giỗ đều do nhà tôi lo liệu. Đến khi bố tôi mất, tôi là cháu đích tôn chịu trách nhiệm cúng giỗ ông bà tổ tiên. Năm ngoái, đúng ngày giỗ của bà nội hai tình hình dịch bệnh Covid căng thẳng, chính quyền địa phương yêu cầu các gia đình thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội, không tụ tập đông người. Vì thế gia đình tôi cũng thông báo với các cô, các chú là sẽ chỉ làm mâm cơm cúng bà chứ không làm giỗ to như mọi năm. Lúc ấy, mọi người đều đồng ý, không dị nghị gì. Các chú, các cô con đẻ của bà còn nói giãn cách xã hội, mọi người không về thắp hương bà được nên sẽ tự thắp hương ở nhà.

Năm nay, mọi thứ đã trở lại bình thường. Vì thế một tháng trước ngày giỗ bà nội hai, tôi mời các cô, chú đúng ngày về giỗ bà và cũng bàn bạc với các cô, chú xem cỗ bàn nên làm các món gì. Thế nhưng các cô, chú bên bà nội hai lại nói với tôi rằng bảo cháu giỗ ông bà không bằng con giỗ cha mẹ. Từ nay về sau, họ sẽ tổ chức giỗ riêng cho bà ở nhà con trai cả của bà, tức là nhà chú thứ ba, tôi không cần làm giỗ bà nữa. Dù mọi người trong đại gia đình đã góp ý nhưng họ vẫn không thay đổi quyết định. Đến ngày giỗ bà, tôi vẫn làm cơm cúng giỗ đầy đủ. Các chú, các cô cùng mẹ với bố tôi cùng con cái họ vẫn tề tụ đông đủ ở nhà tôi để thắp nén nhang cho người đã khuất. Còn các cô, các chú con bà hai thì không xuất hiện.

Và sau đó là hàng loạt những chuyện xảy ra không như ý, xung đột trong gia đình ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân cũng chỉ do quan điểm sống của từng người nhưng các cô, chú bên nhánh bà hai và các thành viên bên nhánh bà nội tôi không còn hỏi đến nhau nữa. Mới chỉ mấy tháng mà gia đình tôi không còn êm ấm, có những xung đột lớn nhỏ lần lượt xảy ra. Tôi cảm thấy nó càng ngày càng nghiêm trọng.

Sắp tới là đến ngày giỗ của ông nội tôi rồi. Chắc chắn tôi vẫn làm đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của người cháu, vì linh hồn ông sẽ phải về nhà tôi - nhà trưởng. Thế nhưng chuyện mời những ai đến ăn giỗ lại là việc khiến tôi đau đầu. Tôi muốn mời cả các cô, các chú, anh em bên nhánh bà hai về dự nhưng mấy chú của tôi lại nói không mời, vì họ đã nói cháu giỗ ông bà không bằng con giỗ bố mẹ. Từ nay về sau, không cần mời họ nữa. Tôi nghĩ người nhà vẫn là người nhà, có những việc vẫn phải giáp mặt nhau, không thể nói bỏ là bỏ được. Thế nhưng nếu mời các cô chú ấy về, tôi sợ không khí gia đình lại căng thẳng. Giờ tôi nên làm gì đây? Làm sao để hàn gắn các thành viên trong đại gia đình? Tôi mong nhận được lời khuyên từ chương trình và các bạn nghe đài.

Sau khi câu chuyện được phát sóng, thính giả và biên tập viên chương trình đã có những chia sẻ với anh:

Từ bao lâu nay, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc sống ở các làng quê. Trong việc thờ phụng tổ tiên thì ngày giỗ rất quan trọng. Trong ngày giỗ, người ta làm cỗ bàn mời thân bằng quyến thuộc. Giỗ có thể làm to hoặc làm nhỏ tuỳ theo gia cảnh và nhiều khi lại tuỳ thuộc vào mối liên hệ giữa người sống và người đã khuất. Theo phong tục, con trai trưởng là người có trách nhiệm tổ chức. Nếu con trai trưởng không còn thì việc cúng giỗ sẽ do cháu đích tôn tổ chức (chỉ khi nào trưởng nam không có con trai nối dõi thì mới đến con thứ). Con trai có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ và tổ tiên; con gái đi lấy chồng thì phải theo chồng, có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Tuy nhiên, không vì thế mà những người con thứ, cháu thứ, cháu ngoại bỏ ngày giỗ ông bà, cha mẹ. Đến ngày giỗ, họ tề tựu ở nhà người con trưởng hoặc cháu đích tôn và cũng mang đồ lễ cúng tới để gửi giỗ.

Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân ta, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã dần dần không còn có sự phân biệt giữa nam và nữ, bởi một lẽ không phải gia đình nào cũng có con trai và việc thờ cúng không nhất thiết phải giao cho con trai trưởng (hay cháu đích tôn) đảm nhiệm. Hơn nữa, tôi cũng có chung quan điểm với các thính giả đêm nay, ấy là cúng giỗ là ngày để tưởng nhớ người đã khuất. Thế nên, các chú con bà nội hai của bạn muốn tự mình làm giỗ mẹ họ là hoàn toàn hợp lẽ và không trái với luân thường đạo lý. Vậy thì chẳng có gì xấu nếu bạn và các thành viên khác trong gia đình “lùi 1 bước”, để các chú làm giỗ. Còn bạn vẫn có thể tự làm cơm cúng bà và mời các cô, chú, anh em bên nhánh bà nội bạn. Tuy nhiên bạn nên nói chuyện bình tĩnh, rõ ràng với các cô, chú bên nhánh bà nội hai, để xem vì sao họ lại không muốn bạn làm giỗ bà nữa. Nếu vì bạn đã có sơ suất gì thì bạn nên rút kinh nghiệm và sửa chữa. Còn nếu chỉ đơn giản vì họ muốn tự cúng giỗ mẹ mình thì bạn nên giúp họ giải thích với các cô, chú bên đằng bà nội của bạn, để hai bên cùng hiểu cho nhau, hóa giải những khúc mắc không đáng có. Đó cũng là trách nhiệm của người “đích tôn”.

Theo những gì trong thư bạn kể thì tôi mới thấy các cô, chú bên đằng bà nội hai của bạn có ý định làm giỗ riêng cho bà chứ không nói gì về chuyện giỗ ông. Vậy nên ngày giỗ ông, bạn vẫn mời họ như thường lệ. Có điều nếu muốn hàn gắn tình cảm và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, bạn nên làm cầu nối cho cả hai bên. Hãy nói để các cô chú hiểu rằng cúng giỗ ông bà, tổ tiên là nghĩa vụ và trách nhiệm của con cháu nhưng đừng quá đặt nặng vấn đề làm ở nhà ai. Vì như thế chỉ làm tình cảm gia đình sứt mẻ mà thôi. Mong rằng gia đình bạn sớm gắn kết lại như xưa.

Mời các bạn nghe toàn bộ câu chuyện và phần chia sẻ của chương trình tại đây: