Cô gái trẻ viết thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi vì hoang mang về bản thân và cuộc sống:

Tôi 20 tuổi, học năm thứ hai đại học, ngành thiết kế đồ họa. Hiện tôi đang sống với mẹ vì ba mẹ tôi đã ly thân. Kinh tế gia đình tương đối ổn. Mỗi tháng, ba vẫn chu cấp tiền sinh hoạt và học phí cho mẹ con tôi.

Tôi có sở trường vẽ, viết truyện nhưng có nhược điểm là sống trầm lắng, ít giao tiếp, ít mối quan hệ xã hội và không có bạn thân. Dù vậy, khi có các hoạt động tập thể trong trường lớp, tôi vẫn hòa đồng và không có cảm giác lo sợ mỗi khi đứng trước đám đông để thuyết trình, phát biểu. Tôi cũng chịu khó ra ngoài kiếm tiền, tập gym và ăn uống, xem phim dù chỉ đi một mình.

Tôi đã có thu nhập từ lớp 10 nhờ kinh doanh truyện online. Hiện tại, tôi làm phục vụ bán thời gian ở quán trà sữa, bán truyện, tiểu thuyết trực tuyến tự sáng tác và nhận viết lách, làm power point theo yêu cầu. Từ khi vào đại học, tôi cố gắng tự chi tiền quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn vặt, còn đóng góp cho mẹ một chút sinh hoạt phí. Hiện tại, thu nhập của tôi vẫn bấp bênh. Có tháng, tôi thu về hơn 10 triệu đồng nhưng có tháng chỉ 5 triệu đồng hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, tôi không mấy lo lắng vì muốn dành nhiều thời gian để học.

Vấn đề chính tôi muốn được gỡ rối là tôi cảm thấy tổn thương khi bị mẹ chê bai và so sánh với người khác. Mới đây, dì ruột tôi tâm sự với mẹ tôi con gái lớn của dì, bằng tuổi tôi, mới bỏ học đại học do muốn đi kiếm tiền sớm. Bây giờ, em họ đã kiếm được 7 triệu đồng mỗi tháng bằng việc làm thuê cho nhà hàng Nhật và cặp được bạn trai làm quản lý bên đó. Dì khoe em ấy tặng dì và em út chuyến đi Đà Lạt, khoe luôn việc anh quản lý kia hay tới nhà đón em ấy đi chơi tới khuya mới về hoặc tới nhà chơi rồi mua quà tặng dì dượng. Mẹ tôi khen em họ khôn khéo, biết tận dụng cơ hội. Nhưng sau đó, mẹ nói một câu: "Thời buổi bây giờ, mấy đứa bỏ học kiếm nhiều tiền còn khôn hơn mấy đứa học đại học. Vì bằng đại học không còn giá trị như hồi xưa, giờ chỉ cần có cái miệng là được rồi".

Không dừng lại ở đó, mẹ còn kể xấu tôi với dì. Mẹ chê tôi khù khờ, nhút nhát, chậm chạp, không cứng cáp, chững chạc bằng em họ hay những bạn bằng tuổi. Mẹ lôi chuyện tôi nhận lương chỉ 2 triệu đồng khi làm phục vụ ra để so sánh với lương của em họ, lôi luôn cả việc tôi còn độc thân ra để nói bởi mẹ thấy tuổi tôi ai cũng có người yêu, có người còn lấy chồng có con rồi. Mẹ không biết tôi bán được truyện do tôi giấu kỹ và nói sau này tôi không làm nên tích sự gì, luôn thua kém người khác.

Tôi rất hay bị mẹ so sánh với em họ. Mẹ luôn nghĩ em tốt và khen nhưng khi tôi cố gắng để bằng hoặc vượt em, mẹ nói do tôi may mắn chứ không phải nhờ thực lực. Mẹ thường nói tôi chậm, khờ, nhút nhát, đã lớn mà suy nghĩ vô tư như con nít, không biết thứ gì trên đời, không bằng người ta. Vài lần, mẹ thậm chí mắng chửi tôi không có não mỗi lần tôi lỡ làm sai, nói tôi bị tự kỷ và đầu óc không bình thường. Mẹ cũng hay nói sau này tôi dễ bị người khác trù dập, lừa gạt chứ không hơn người.

Mẹ ép tôi phải năng động, quan hệ rộng như người ta. Nhưng tôi thật sự rất mệt mỏi và có cảm giác cạn kiệt năng lượng mỗi lần bị ép phải như vậy. Vì vậy lâu lâu tôi tự thấy áp lực, nghi ngờ về bản thân. Nhưng may mắn là bố tôi luôn công nhận sự cố gắng của tôi, luôn an ủi, động viên mỗi khi tôi thất bại.

Tôi có kế hoạch cho tương lai là làm phục vụ part-time, bán truyện, dấn sâu vào ngành mình theo đuổi trong bốn năm đại học. Sau tốt nghiệp, tôi muốn vừa làm đồ họa vừa duy trì công việc online kia, làm cho công ty của bố theo ý muốn của bố, dành cả tuổi trẻ để tích lũy vốn sống, kinh tế, những niềm vui tuổi trẻ. Tôi cũng dự tính khi nào kinh tế tốt, vốn sống dày sẽ kết hôn.

Tôi cảm thấy buồn và bị ám ảnh bởi những câu chê bai của mẹ. Theo góc nhìn của thính giả, liệu tôi có thực sự là kẻ khờ, nhút nhát, yếu đuối, nhu nhược, chậm chạp và tâm lý không bình thường như lời mẹ nói? Nếu thực sự như vậy, tôi muốn biết làm cách nào để bản thân khôn lỏi, mưu mô, lanh lợi hơn, để mình được sống thảnh thơi? Bên cạnh đó, liệu quan điểm về yêu đương, lập gia đình của tôi như trên có lệch lạc, thiếu thực tế không?

Sau khi phát sóng câu chuyện, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến thính giả:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Cha mẹ vốn dĩ là những người yêu thương con cái nhất và là điểm tựa vững chắc để con có thể dựa vào khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết yêu thương, chăm sóc và giáo dục con cái đúng cách, thậm chí có những bậc cha mẹ lấy danh nghĩa "yêu cho roi cho vọt" mà luôn có lời nói, hành vi tiêu cực gây tổn thương nặng nề cho thể chất và tinh thần của con cái. Thật không may, khi mẹ em chính là một trong những phụ huynh độc hại ấy. Bà ấy so sánh em với người khác, ép em trở thành người như họ mà không mảy may quan tâm em có muốn như vậy không, có cảm thấy tổn thương vì những lời nói ấy không.

Từ góc nhìn của tôi và thính giả thì em hoàn toàn khác những lời chê bai của mẹ em. Em vẫn đang là sinh viên nhưng đã có thể kiếm tiền để tự trang trải những nhu cầu của bản thân. Dù thu nhập của em chưa cao và không ổn định nhưng đó không phải điều quan trọng bởi với em hiện giờ, học tập mới là việc chính. Em nên hiểu rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", quan điểm sống và suy nghĩ của từng người cũng khác nhau. Thế nên có người cho rằng học tập là quan trọng, người lại nghĩ nên đi làm, kiếm tiền sớm thay vì mất 4 năm trên ghế trường đại học... Người cho rằng thật thà, đi lên bằng đôi chân là tốt, người lại nghĩ cách dựa dẫm vào người khác để tiến lên... Đó là lựa chọn của từng người và chúng ta chẳng cần phải so sánh bản thân mình với ai vì quan điểm của mỗi người mỗi khác.

Qua những gì em kể trong thư, tôi thấy em đã tự vạch kế hoạch cho tương lai rồi, không chỉ về công việc mà cả chuyện tình yêu và hôn nhân cũng vậy. Nếu em cho rằng đó là đúng thì em cứ giữ vững lập trường của mình, đừng ngả nghiêng trước lời nói của bất kỳ ai, đừng bao giờ mất niềm tin vào chính mình. Nếu muốn, em có thể thử chia sẻ với mẹ về kế hoạch, quan điểm sống của mình. Sau khi nghe xong, bà ấy có thể hiểu cho em thì tốt nhưng nếu không thì em cũng đừng quá buồn và cũng chẳng cần phải tranh luận với bà ấy về chuyện này. Bởi như tôi đã nói, con người không ai giống ai, không cần thiết phải quá để tâm chuyện mẹ em không có suy nghĩ giống em. Hơn nữa, một số bậc cha mẹ độc hại, mà không may là mẹ em đang có những biểu hiện đó, sẽ không quan tâm em nghĩ gì mà chỉ muốn em sống như những gì họ vạch ra. Vậy nên mong muốn họ hiểu và thông cảm cho em là điều gần như không thể. Đừng nên cố gắng thay đổi bản thân chỉ để làm hài lòng mẹ em. Em nên biết rằng, em hoàn toàn được quyền đưa ra lựa chọn cho riêng mình và làm những việc khiến em thoải mái. Sống theo giá trị và mục tiêu của mẹ sẽ khiến em không hạnh phúc và luôn mệt mỏi. Vì vậy thay vì cố gắng làm hài lòng mẹ thì em nên tập yêu thương, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Khi làm được như vậy, em sẽ đỡ tổn thương bởi những lời nói có gai của mẹ.