Hơn 30 tuổi, tính đến chuyện lập gia đình nhưng chàng trai vẫn còn e ngại trước lời đề nghị của bố mẹ vợ tương lai là sau khi cưới sẽ về ở chung với ông bà. Biên tập viên chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi - VOV2 xin có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Thời phong kiến, xuất phát từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, người ta quan niệm ở rể tựa như “chó chui gầm chạn”. Với xã hội bây giờ, nam nữ đã tiến tới bình quyền, quan niệm đó lẽ ra phải bị coi là lỗi thời, lạc hậu nhưng rất tiếc, với nhiều người, nó còn ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống. Có lẽ bạn cũng nằm trong số những người mang nặng tư tưởng này chăng (?). Một chàng trai sống ở thế kỷ 21 mà còn suy nghĩ như vậy thì thật đáng phê phán đấy nhé! Thử đặt câu hỏi, người phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng, thì vì sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc bố mẹ vợ? Nếu câu trả lời là không thì vì lý do gì? Hay chính là bởi những định kiến đã gắn chặt vào suy nghĩ mà chúng ta chưa thoát ra được? Ở rể có thực sự là nỗi lo lắng của nhiều chàng trai hay không? Theo suy nghĩ của tôi: hạnh phúc hay đau khổ phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không. Nếu người con rể hiếu nghĩa với bố mẹ vợ, sống có trách nhiệm với gia đình, và người vợ khéo léo, không "ỷ thế" nhà mình khiến chồng chạm tự ái... thì việc ở rể sẽ rất thuận lợi.

Ở riêng, ở chung, đều có mặt tích cực và mặt hạn chế. Tôi hiểu và chia sẻ cảm xúc muốn độc lập, chủ động lo cuộc sống của bạn. Ở riêng, ngay từ đầu, các bạn sẽ biết cách thu vén, tạo dựng một gia đình nhỏ. Khi sinh con cái, việc dạy dỗ, chăm sóc con cũng chủ động hơn. Muốn sống tự do, không thích sống chung vì ngại va chạm cũng là nguyện vọng của rất nhiều đôi vợ chồng trẻ. Bởi nói gì thì nói, khoảng cách giữa các thế hệ bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra những mâu thuẫn về lối sống khi sống cùng. Tuy nhiên, như các cụ ta xưa đã nói: dâu con, rể khách. Đã từng trải nghiệm và tôi nhận thấy: Bố mẹ vợ luôn có phần đối xử thoải mái hơn đối với con rể, chứ không như bố mẹ chồng với con dâu.

Nói đi thì là như vậy, nhưng bạn nhìn lại xem: nhà người yêu bạn bây giờ rất neo người, bố mẹ cô ấy mong muốn như vậy cũng không có gì là quá đáng. Hơn nữa, theo quan sát của cá nhân tôi, việc ở rể hiện nay cũng không còn nhiều định kiến như xưa. Nếu bạn có thể vì yêu thương cô ấy và bố mẹ cô ấy mà vượt qua được các định kiến cũ cũng như tự ái bản thân thì hãy suy nghĩ nghiêm túc đến ý kiến của bố mẹ vợ tương lai. Lập gia đình, rồi sinh con cái, các bạn thì bận rộn với công việc, lúc này, có ông bà chăm lo, các bạn sẽ đỡ vất vả hơn nhiều lần và cũng yên tâm công tác. Bởi vậy, sau khi tổ chức đám cưới việc về sống với bố mẹ vợ cũng là một phương án tích cực. Và mong muốn, 2 vợ chồng trẻ đi làm tích luỹ, tiết kiệm, mua đất, xây nhà sẽ chẳng có gì cản trở khi sống cùng bố mẹ vợ cả. Không phải thuê nhà, có khi mục đích này sẽ sớm được thực hiện cũng nên (?)

Bạn sợ mang tiếng với các chị gái của cô ấy và với xã hội là người đào mỏ ư? Nếu bạn sống chân thành, thẳng thắn, có chính kiến thì ngại gì miệng lưỡi thiên hạ. Có khi các chị gái và anh rể của vợ bạn lại biết ơn vợ chồng bạn ấy chứ, vì có người ở cùng chăm lo cho bố mẹ già. Dự định của ông bà là cho hẳn các bạn ngôi nhà đó, nhưng việc nhận hay không lại hoàn toàn do các bạn quyết định. Các bạn có thể bày tỏ nguyện vọng, phát biểu ý kiến của mình về phương án sử dụng ngôi nhà khi chẳng may bố mẹ khuất núi một cách có tình có lý, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của các chị em trong nhà.

Mong hai bạn bàn bạc, thống nhất, cân nhắc kỹ để có quyết định sáng suốt, xây dựng tổ ấm của mình bền vững, hạnh phúc.