Sáng 9-5, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn và chưa đồng thuận cao trước đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ có công suất từ 18.000 BTU đến 90.000 BTU.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, chỉ quy định áp thuế đối với điều hòa có công suất từ 18.000 BTU đến 90.000 BTU - thay vì toàn bộ sản phẩm như đề xuất trước đây. Tuy nhiên, giới hạn công suất này vẫn còn gây tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đồng tình với việc loại trừ các điều hòa công suất nhỏ khỏi diện chịu thuế, song cho rằng mốc 18.000 BTU chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Ông kiến nghị nâng ngưỡng chịu thuế lên 24.000 BTU, lý giải: “Đối với các căn hộ chung cư từ 2-3 phòng, việc dùng một máy 24.000 BTU vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm chi phí. Đây là lựa chọn phổ biến hiện nay tại các khu đô thị.”
Ông cũng cho rằng nên phân biệt rõ điều hòa dân dụng với điều hòa công nghiệp (trên 90.000 BTU), nhằm đảm bảo tính hợp lý và sát với đời sống người dân.

Quan điểm thẳng thắn hơn, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhấn mạnh việc coi điều hòa là mặt hàng xa xỉ để áp thuế là “không còn phù hợp”. Ông cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt, người dân - đặc biệt là công nhân, người lao động nghèo - cần được hỗ trợ tiếp cận thiết bị làm mát để đảm bảo sức khỏe.
“Chính sách thuế với điều hòa cần thể hiện tinh thần nhân văn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm, từ đó Nhà nước vẫn có thể thu ngân sách qua các loại thuế khác như VAT hay thuế thu nhập doanh nghiệp,” ông Khải đề xuất bỏ hoàn toàn quy định áp thuế với điều hòa dân dụng khỏi dự thảo luật.

Cũng thể hiện sự không đồng tình, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ nên áp với mặt hàng xa xỉ hoặc có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường. Việc áp thuế với điều hòa - vốn đã phổ biến và trở thành thiết bị thiết yếu là chưa phù hợp.
Ông cảnh báo: “Chính sách này có thể làm tăng giá thành, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, giảm năng lực cạnh tranh trước hàng nhập khẩu. Trong nhiều trường hợp, sử dụng điều hòa công suất lớn còn tiết kiệm và hiệu quả hơn về lâu dài.”

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến để loại trừ điều hòa công suất nhỏ và siêu lớn khỏi diện chịu thuế. Tuy nhiên, ông cho rằng việc giữ lại ngưỡng từ 18.000 đến 90.000 BTU là “nửa vời”, thiếu rạch ròi và dễ gây áp lực cho người dân, các đơn vị công vụ và cơ sở kinh doanh nhỏ.
“Nếu đã loại trừ thì nên loại trừ hẳn để tạo sự rõ ràng. Còn nếu muốn áp thuế thì phải nghiên cứu thật kỹ, xây dựng lộ trình hợp lý, tránh gây tác động bất lợi trước mắt,” ông đề xuất.
Việc đưa điều hòa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn là chủ đề nóng tại nghị trường. Nhiều đại biểu đồng thuận rằng cần đánh giá lại tính chất thiết yếu của mặt hàng này, tránh chính sách thuế đi ngược thực tiễn và gây áp lực không cần thiết đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng.