Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình có địa hình đa dạng với ba vùng sinh thái đặc trưng, giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Địa phương sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương... và từng là kinh đô của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản.
"Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, để Ninh Bình hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xanh, bền vững và hài hòa. Do đó, để du lịch Ninh Bình "cất cánh" ngoài chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ, địa phương cũng nỗ lực đưa hàm lượng văn hóa ngày càng cao vào các sản phẩm du lịch", ông Nguyễn Cao Sơn nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình thẳng thắn nhìn nhận, dù địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt tập trung vào việc khai thác tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, và lượng khách đến đông, tuy nhiên doanh thu không cao. Điều này khiến những người làm du lịch trăn trở, muốn tìm cách nâng tầm du lịch, đặc biệt theo hướng gắn liền với các giá trị văn hóa, di sản.
Thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung vào các sản phẩm du lịch kết hợp với nghệ thuật, điêu khắc, có ứng dụng công nghệ thông tin… trong đó, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa. Chúng ta cần coi văn hóa như một tài nguyên đặc biệt, có thể tái tạo, sinh lợi lâu dài, tạo giá trị độc đáo cho sản phẩm du lịch. Việc này sẽ góp phần nâng tầm du lịch, hướng tới hiệu quả về doanh thu, tạo sự phát triển bền vững cho tỉnh.

Theo ông Lê Quốc Vinh - CEO Lê Group, để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, Ninh Bình cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra những giá trị khác biệt, đơn nhất được in dấu đậm nét trong lòng du khách thông qua quá trình trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm, dịch vụ.
"Để phát triển du lịch văn hóa, Ninh Bình cần 5 yếu tố: Sự khác biệt; sự nguyên bản; hoạt động tạo dấu ấn; đồng sáng tạo và gắn kết với hệ sinh thái địa phương. Ngoài ra, các ngành nghề liên quan có thể cộng hưởng cho du lịch văn hóa như sản vật địa phương, làng nghề; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch mạo hiểm. Cùng với đó là công tác truyền thông phải hiệu quả. Ngoài ra, cần phối hợp xây dựng đồng bộ thương hiệu quốc gia với thương hiệu địa phương, để phát huy thế mạnh của tỉnh... Do đó, Ninh Bình cần quan tâm, kêu gọi đầu tư vào các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh" - ông Lê Quốc Vinh phân tích.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Ninh Bình cần có chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ, phát triển du lịch Ninh Bình dựa trên thế mạnh của điểm Di sản được UNESCO công nhận, đồng thời phải bảo vệ di sản, tôn trọng "mẹ thiên nhiên".
Vấn đề đặt ra là không chỉ là thu hút thêm khách du lịch, mà còn là làm thế nào để du lịch nuôi dưỡng các di sản sống, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hoá của Tràng An. Đầu tư cho văn hoá phải song hành với việc giữ gìn văn hoá. Di sản và hệ sinh thái là những giá trị quý giá và hữu hạn, một khi bị tổn thương sẽ rất khó để khôi phục hoàn toàn.
"Tôi muốn đề xuất một số hướng đi chiến lược để phát huy các ngành văn hoá sáng tạo, tận dụng di sản Tràng An làm nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, bao gồm: Phát triển các tuyến du lịch văn hoá theo chủ đề và du lịch nông thôn, nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của Ninh Bình; Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hoá do cộng đồng dẫn dắt, đảm bảo phân chia lợi ích một cách công bằng; Thành lập các “vườn ươm” di sản để hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, nghệ nhân và doanh nghiệp địa phương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá".

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, bà Park Eun Jung - Trưởng đại diện Tổng cục du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát, khi lựa chọn Hàn Quốc làm điểm đến du lịch, 8,7% du khách nước ngoài cho biết họ cân nhắc các địa điểm liên quan đến Làn sóng văn hoá Hàn Quốc (Hallyu), bao gồm K-pop, các buổi biểu diễn của nghệ sĩ hoặc phim trường của các bộ phim, chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ninh Bình có thể nghiên cứu mô hình như vậy để phát triển du lịch địa phương.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch cho rằng, Ninh Bình là địa phương giàu tiềm năng và lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch dựa nhiều vào lợi thế văn hóa. Muốn du lịch phát triển mạnh cần có sản phẩm văn hóa hấp dẫn. Ngược lại, công nghiệp văn hóa muốn phát triển cần gắn với điểm đến du lịch.
Thời gian tới, Ninh Bình cần đẩy mạnh kết nối mạng lưới doanh nghiệp địa phương, kết nối quốc tế, tạo sự liên thông giữa các sản phẩm du lịch sinh thái khảo cổ, tâm linh… Đồng thời cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch, bố trí quỹ đất, nguồn vốn, có chính sách ưu đãi và kích hoạt khối sáng tạo tư nhân. Ninh Bình nên xem xét lựa chọn lĩnh vực nghệ thuật truyền thông để xây dựng lộ trình đưa Hoa Lư chính thức trở thành một phần của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) và định vị thành phố như “vùng lõi sáng tạo” của trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện truyền thông, trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh.