4 năm yêu và 5 năm làm vợ chồng, chị Vũ Thái Hiên ở Hòa Bình tự nhận mình đã vững vàng làm mẹ của 2 con nhỏ và một ông chồng.
"Cuộc sống hôn nhân mình nghĩ cũng như mọi người chẳng ai có kinh nghiệm gì đâu. Nó phát sinh mâu thuẫn không to tát đâu, nhỏ nhặt thôi" - đó là quần áo bẩn thay ra, chồng không bỏ vào giỏ, đi làm về là nằm ườn chơi điện thoại…Chị Hiên kể về cuộc hôn nhân đã mệt mỏi của mình.
Vợ chồng chị quen và yêu trong khoảng thời gian du học nước ngoài. Cả hai tự tin vào tình cảm bền vững bốn năm bên nhau, tin vào học thức sẽ giúp họ sống với nhau văn minh và tự lập. Vậy là giáo dục tiền hôn nhân trở thành cụm từ xa lạ với chị.
"Trước đây trẻ cứ yêu rồi cưới, chứ không biết trước hôn nhân phải giáo dục học hành, chuẩn bị tâm lý, kỹ năng ứng xử. Bây giờ có giáo dục tiền hôn nhân, tiện lợi nhỉ" - chị Hiên nói.
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 2 triệu lượt kết hôn và tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức là cứ 4 cặp kết hôn sẽ có một cặp ly hôn. Đây là một con số đáng báo động khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, nơi có các chương trình giáo dục tiền hôn nhân bắt buộc hoặc khuyến khích.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.
Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. “Ly hôn xanh” để chỉ những cuộc hôn nhân “sớm nở tối tàn” kết thúc nhanh sau đám cưới, thường trong vòng 5 năm kể từ khi kết hôn.
Thực tế, thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%. Vậy nên có những người đã và đang trải qua hôn nhân mới thấu hiểu tầm quan trọng của giáo dục tiền hôn nhân.
"Cách sống thì mỗi người có cái tôi riêng, lúc đầu tình yêu còn nồng nàn có thể chấp nhận tật xấu của nhau. Nhưng sau khi thành người thân, mọi thói quen xấu được bộc lộ. Như mình không chấp nhận được đi làm về chồng mình nằm chơi điện thoại mấy tiếng đồng hồ, chồng mình thì không vui khi mặt mình cứ cau có" - Chị Hiên thừa nhận cả hai đều không có kinh nghiệm xử lý tình huống nên vợ chồng bị mất kết nối.
Mâu thuẫn về cách sống, tài chính, mối quan hệ ngoài luồng là những nguyên nhân chính được xét đến trong các vụ li hôn.
Không ai nói với các đôi trẻ việc họ phải trao đổi trước với nhau trước khi kết hôn như tài chính gia đình được quản lý như thế nào, ai là người giữ tiền…Anh Nguyễn Văn Thành ở Thái Nguyên thừa nhận đó là thiếu xót mà vợ chồng anh đã bỏ qua trước khi bước vào hôn nhân.
"Cái vấp đầu tiên của vợ chồng tôi là tài chính. Quan điểm của mình là A nhưng vợ là B, cả hai không thống nhất được với nhau nên sinh ra khó chịu. Sau này mình mới biết nếu được giáo dục tiền hôn nhân thì hai người sẽ phải trao đổi với nhau trước, để lúc bước vào hôn nhân không bị sốc, không thất vọng về nhau" - anh Thành nói.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay, chưa có nghiên cứu nào thống kê trên cả nước nhằm cung cấp con số chính xác về tỷ lệ các cặp đôi tham gia các khóa học tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc khảo sát, đánh giá nhu cầu và hiệu quả của các khóa học hoặc chương trình tư vấn tiền hôn nhân.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) có khảo sát về các vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình, trong đó có đề cập việc chuẩn bị tiền hôn nhân.
"Mặc dù không đưa ra số liệu cụ thể về tỷ lệ tham gia khóa học tiền hôn nhân, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cặp đôi trẻ, đặc biệt ở các thành phố lớn, có xu hướng tham gia nhiều hơn vào các chương trình tiền hôn nhân, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp so với tổng số các cặp đôi kết hôn" - Thạc sĩ Hiền trả lời VOV2.
Trong một số báo cáo của Tổ chức Phát triển Dân số tại Việt Nam, chương trình tư vấn tiền hôn nhân đã được thực hiện tại một số tỉnh, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Các nghiên cứu này cho thấy mức độ tham gia còn thấp và phần lớn các cặp đôi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của các khóa học tiền hôn nhân.
Ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, nhận thức về giáo dục tiền hôn nhân còn hạn chế do các yếu tố như thiếu thông tin, tâm lý e ngại, hoặc quan niệm truyền thống cho rằng hôn nhân là "duyên phận".
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới phát triển. Vì vậy trong “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030” đã đặt ra nhiều mục tiêu trong đó có mục tiêu “phấn đấu 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc…”.
Giáo dục tiền hôn nhân là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết cho các cá nhân trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Mục tiêu của giáo dục tiền hôn nhân là giúp các cặp đôi hoặc cá nhân chuẩn bị về tâm lý, xã hội và sinh học, nhằm xây dựng một cuộc sống hôn nhân lành mạnh, bền vững và hạnh phúc.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền chỉ ra 4 lý do quan trọng của giáo dục tiền hôn nhân. Nghe chương trình tại đây: