Đây là ý kiến của TS. Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương tại Lễ kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 được tổ chức tại Học viện Chinh trị Quốc gia Hồ Chí Minh sáng nay (15/5).
Cần có chính sách ưu tiên, nâng đỡ các nhà khoa học
Ông Thạch cho rằng cần có chính sách đột phá về lương, thưởng, thu nhập, điều kiện làm việc phải xứng đáng với sự sáng tạo, công sức đóng góp của đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ.
“Đáp ứng đủ là rất khó nhưng buộc phải cố gắng, phải dùng nguồn lực của nhà nước, của xã hội để làm cho thật tốt cái việc này”, ông Thạch nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng để đội ngũ nhà khoa học yên tâm công tác.
Theo đó, cần phải xóa bỏ việc áp dụng thang lương viên chức hành chính đối với đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, hoàn thiện chính sách trả thù lao cho những người làm công tác nghiên cứu, áp dụng triệt để cơ chế khoán gọn và trả thù lao theo kết quả sản phẩm đầu ra, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ khoa học công nghệ.
Đồng thời, tạo điều kiện về nhà ở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc thuận lợi và có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các tổng công trình sư trong và ngoài nước.
Trao quyền cho các tổ chức khoa học công nghệ chủ động, vận dụng linh hoạt, bổ sung thêm các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ như: chế độ phụ cấp, chế độ ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu như ưu tiên tạo điều kiện cấp kinh phí nghiên cứu và có chế độ khen thưởng đặc biệt đối với đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ khi có sản phẩm nghiên cứu có chất lượng, mang lại hiệu quả cao cho đất nước.

Theo ông Thạch, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên và nâng đỡ các nhà khoa học trẻ có năng lực như tạo nguồn kinh phí nghiên cứu cho khoa học trẻ đăng ký đề tài, công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó cần thay đổi cách các chế định hiện thời, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có tài, có thành tích, được thăng tiến trong nghề nghiệp như nâng, ngạch bậc, công chức, phong phó giáo sư, giáo sư mà không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn thâm niên.
Cần phải xây dựng một hệ thống chính sách riêng về khen thưởng phù hợp với đặc điểm và đặc thù hoạt động của đội ngũ nhân lực khoa công nghệ.
Quy hoạch đội ngũ khoa học công nghệ gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội
Nêu giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Thạch cho rằng, trước tiên phải xây dựng và thực hiện tốt chiến lược nhân tài khoa học công nghệ Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Trong đó, phải phát hiện đào tạo bồi dưỡng trọng dụng các nhà khoa học công nghệ chiến lược, nhân tài và đội ngũ sáng tạo công nghệ hàng đầu, nhân tài khoa học công nghệ trẻ, xuất sắc. Huy động và ưu tiên các nguồn lực thực hiện chiến lược nhân tài khoa học công nghệ quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội để phát hiện, thu hút nhân tài khoa học công nghệ, trọng dụng đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học công nghệ, để phát hiện tối đa khả năng sáng tạo của nhân tài khoa học công nghệ.
Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ Việt Nam gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng vùng, từng địa phương và được chi tiết theo thời gian, bảo đảm quy hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn có tính khả thi cao, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước đến 2030 và tầm 2045.

Theo TS. Bùi Văn Thạch, quy hoạch cần có điều tra, khảo sát để đánh giá đúng thực trạng phát triển đội ngũ khoa học công nghệ thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, cung cấp các luận cứ cho việc xây dựng quy hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với mục tiêu định hướng giải pháp đột phá nhằm xây dựng phát triển đổi ngũ khoa học công nghệ lâu dài và bền vững.
Trong quy hoạch, cần phải chú trọng đến phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ ở các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên, các lĩnh vực, các ngành nghề mới và cán bộ khoa học công nghệ ở các địa phương, đặc biệt là vùng kinh tế xã hội có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Xây dựng cơ chế phân loại đánh giá nhân lực khoa học công nghệ một cách thường xuyên với những nội dung đánh giá cụ thể phù hợp với đặc điểm lao động của đội ngũ này, bảo đảm tính khách quan và khoa học.
Nêu giải pháp hoàn thiện chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực khoa công nghệ, TS. Bùi Văn Thạch cho rằng cần đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ với các hình thức khác nhau, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài.
Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực xã hội vào quá trình đào tạo đội ngũ nhân lực khoa công nghệ và xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, lồng ghép đưa nội dung về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực khoa công nghệ vào các dự án khoa học công nghệ có liên quan của các bộ, các ngành, địa phương, đặc biệt là các dự án và đề tài hợp tác quốc tế.
Cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, khoa học, kỹ thuật và công nghệ ưu tiên then chốt, nhất là các trình độ sau đại học.
Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt, đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học uy tín của nước ngoài, đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, hiện đại hóa, phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất là trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới liên doanh, liên kết tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho Việt Nam.

Về hoàn thiện chính sách quản lý sử dụng nguồn nhân lực khoa công nghệ, theo TS. Bùi Văn Thạch, cần tạo cơ chế cạnh tranh giữa các chủ thể sử dụng nguồn nhân lực khoa công nghệ trong các tổ chức công lập như viện nghiên cứu, các trường đại học công lập... để tạo cơ chế cho cán bộ khoa công nghệ có quyền chuyển sang làm việc tại các tổ chức công lập khác mà không phải chịu nhiều ràng buộc về trách nhiệm đối với các đơn vị công lập cũ.
Tăng quyền chủ động hơn nữa cho đơn vị sử dụng nguồn nhân lực khoa công nghệ trong công tác cán bộ, đa dạng hóa các loại hình hợp đồng, giao kết lao động phù hợp với từng đối tượng của nhân lực khoa công nghệ./.