Tin chuyên gia ngôn ngữ học - PGS.TS Phạm Văn Tình đột ngột qua đời vào sáng ngày 10/5 khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Với những ai yêu tiếng Việt, yêu chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cái tên Phạm Văn Tình đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Ông chính là một người bạn đồng hành chân thành, tâm huyết với từng con chữ, từng nỗi niềm của ngôn ngữ Việt.

PGS.TS Phạm Văn Tình đến với chương trình bằng một sự giản dị, chân thành nhưng đầy chiều sâu học thuật. Qua giọng nói nhẹ nhàng và lối diễn đạt rành mạch, thuyết phục, ông đã giúp thính giả cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng Việt, không chỉ qua ngữ nghĩa mà còn qua văn hóa, lối sống và tâm hồn dân tộc. Những câu trả lời của ông luôn gợi mở, sâu sắc mà không hàn lâm, truyền cảm hứng để người nghe thêm yêu, thêm trân trọng từng lời ăn tiếng nói hàng ngày.

PGS. TS Phạm Văn Tình từng chia sẻ rằng: việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không phải là bảo thủ hay cực đoan, mà là hiểu, yêu và vận dụng ngôn ngữ một cách đúng đắn, nhân văn, phù hợp với đời sống hiện đại. Quan điểm ấy được thể hiện rõ ràng trong mỗi số phát sóng, qua từng ví dụ cụ thể, từng câu chuyện đời sống mà ông mang đến, từ lời ăn tiếng nói thường ngày cho đến ngữ nghĩa sâu xa của những từ ngữ tưởng đã quen thuộc.

Điều đáng quý ở PGS Phạm Văn Tình không chỉ ở vốn hiểu biết sâu rộng mà còn là sự tử tế, tận tâm của một người làm ngôn ngữ. Hơn 30 năm cộng tác với Chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Đài tiếng nói Việt Nam, mỗi lần xuất hiện trên sóng phát thanh, ông luôn nhấn mạnh giá trị của tiếng Việt, không chỉ như một công cụ giao tiếp mà còn là linh hồn, là cốt lõi bản sắc dân tộc. Chính vì thế, ông được xem là “người giữ hồn tiếng Việt”, âm thầm nhưng kiên trì nhắc nhở cộng đồng về ý thức dùng từ đúng, dùng từ hay, dùng từ đẹp.

Ngay trước khi đột ngột ra đi, ngày 9/5, ông vẫn dành cho VOV2 một cuộc phỏng vấn về vấn đề chính tả x/s đang tranh cãi. Ông phân tích như một lời nhắc nhẹ những người làm báo chúng tôi: "Sự nhầm lẫn này là minh chứng điển hình cho tính hai mặt của ngôn ngữ: vừa linh hoạt trong sử dụng đời thường, vừa cần chuẩn mực khi ghi chép và lưu truyền. Dù phát âm có thể chấp nhận “x” và “s” lẫn lộn ở một số địa phương, nhưng khi viết, đặc biệt trong truyền thông đại chúng, cần tuân thủ quy tắc để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông nhận xét về người bạn, người đồng nghiệp thân thiết: “Phạm Văn Tình là một học giả giàu năng lượng, hoạt động không ngừng nghỉ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở giao điểm giữa nghiên cứu và thực hành ngôn ngữ.” Ông là một cầu nối quan trọng giữa giới nghiên cứu hàn lâm và công chúng rộng rãi. Bằng kiến thức sâu rộng và cách truyền đạt gần gũi, PGS.TS Phạm Văn Tình đã góp phần làm cho ngôn ngữ học không còn là một lĩnh vực khô khan mà trở thành điều ai cũng có thể tiếp cận và yêu thích.

Với những người làm chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, sự ra đi của ông là một mất mát lớn. Nhưng ký ức về ông, những bài nói chuyện mạch lạc, dí dỏm và sắc sảo vẫn còn đó, vang vọng trong trái tim của hàng triệu thính giả từng yêu mến giọng nói của ông qua sóng phát thanh.

Xin vĩnh biệt PGS.TS Phạm Văn Tình - người đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp gìn giữ vẻ đẹp và trong sáng của tiếng Việt. Hành trình ông đi qua chắc chắn là một chặng đường đẹp đẽ, đầy ánh sáng của tri thức và tình yêu ngôn ngữ.