Theo kinh nhà Phật, ngày xưa lâu lắm rồi, có một ông vua Ấn Độ, nhân một ngày lễ, mời Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy, nhà vua cho đốt bao nhiêu là đèn dầu trong cung Phật ngự. Một bà cụ nghèo khó ở vùng ấy cũng muốn dâng lên Đức Phật ngọn đèn dầu, song bà chẳng còn đồng tiền nào. Bà phải đi ăn xin một ngày ròng khắp kinh đô, tối về được hai đồng tiền. Bà dùng cả hai đồng tiền đó, tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên lễ phật, bà khấn: “Nếu đời con sau này được thành đạo, thì xin ngọn đèn này sáng suốt đêm không tắt”.

Sáng hôm sau, khi lên cung Phật tắt đèn, một nhà sư đã thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt từ bao giờ, riêng ngọn đèn dầu của bà cụ ăn xin thì vẫn sáng rực, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy chuyện lạ, bèn thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành, tu nhân tích đức, kiếp sau sẽ được thành phật”.

Nhà vua nghe chuyện, mới hỏi một quan trong triều tại sao ông cúng đèn nhiều như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão kia, người chỉ dâng lên có mỗi một đĩa đèn dầu. Quan đáp: “Bởi vì bà ấy của ít lòng nhiều. Bà dâng lên một đĩa đèn nhưng tấm lòng của bà lại thành kính bao la”.

Từ đó, câu thành ngữ “của ít lòng nhiều” được sử dụng để ca ngợi những người đem cho, đem tặng, giúp đỡ người khác những vật chất tuy không đáng là bao, nhưng tình cảm chân thành, nặng nghĩa tình thì cũng rất đáng trân trọng, rất đáng quý.

Nghe PGS.TS Phạm Văn Tình phân tích các cặp từ: “trợ giúp” và “hỗ trợ”, “hàng xóm ” và “láng giềng”: