
Trong tiếng Việt, việc nhầm lẫn giữa "s" và "x" là lỗi khá phổ biến, đặc biệt trong phát âm vùng miền. Tuy nhiên, khi xét đến ngữ nghĩa và chính tả, sự khác biệt giữa hai phụ âm này là vô cùng quan trọng, điển hình là trong cụm từ "xe điếu" đang gây tranh cãi gần đây.
Phân tích kỹ lưỡng về nguồn gốc và nghĩa của từ "xe điếu", PGS.TS Phạm Văn Tình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học khẳng định, từ "xe điếu" là một từ đặc dụng chỉ vật dụng dùng để hút thuốc lào. Từ "xe điếu" với chữ x là chắc chắn 100%, không thể nhầm với "s".
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, trong tiếng Việt, từ “xe” không chỉ dùng để chỉ phương tiện vận tải như xe máy, xe đạp, hay một quân trong bộ cờ tướng, tam cúc, mà còn mang nghĩa là một ống nhỏ, dài dùng để gắn vào điếu cày hoặc điếu thuốc phiện nhằm hút khói. Đây là cách dùng lâu đời và hoàn toàn được ghi nhận trong giao tiếp truyền thống, đặc biệt ở các vùng nông thôn Bắc Bộ xưa.
Ngược lại, từ “se” lại mang nghĩa hoàn toàn khác. Nó dùng để mô tả hiện tượng khô dần đi, co lại hoặc se lạnh như trong các ví dụ: “trời se lạnh”, “vết thương đã se miệng”. Chuyên gia phân tích: “Từ ‘se’ độc quyền trong việc thể hiện một hiện tượng. Nó không liên quan gì đến từ ‘xe’ trong ‘xe điếu’ cả”. Do vậy, cách viết “se điếu” là sai cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp, mặc dù có thể nghe quen thuộc trong lời nói do ảnh hưởng phát âm vùng miền.
PGS.TS Tình cho rằng việc nhiều người dùng sai là hậu quả của việc xem nhẹ chuẩn mực chính tả, một phần cũng đến từ sự chủ quan của người viết và thói quen đọc viết sai lây lan theo số đông: “Cần phải điều chỉnh lại thói quen sử dụng ngôn ngữ cho đúng mực”.

Trên thực tế, từ “xe điếu” đã được ghi nhận chính thức trong nhiều từ điển tiếng Việt, trong khi từ “se điếu” hoàn toàn không tồn tại trong bất kỳ công trình ngôn ngữ học nào. Việc cố tình sử dụng “se điếu” không chỉ gây hiểu lầm về nghĩa mà còn góp phần làm sai lệch tiếng Việt chuẩn.
Sự nhầm lẫn này là minh chứng điển hình cho tính hai mặt của ngôn ngữ: vừa linh hoạt trong sử dụng đời thường, vừa cần chuẩn mực khi ghi chép và lưu truyền. Dù phát âm có thể chấp nhận “x” và “s” lẫn lộn ở một số địa phương, nhưng khi viết, đặc biệt trong truyền thông đại chúng, cần tuân thủ quy tắc để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.