Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc bổ sung quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo -đặc biệt là người có ảnh hưởng (KOL, KOC, người nổi tiếng, chuyên gia...) - trong bối cảnh thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ việc quảng cáo sai sự thật, “bẩn”, hàng hóa giả, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định này. Theo bà, hiện tượng người nổi tiếng, các KOL, KOC quảng cáo theo cảm tính, thiếu kiểm chứng đã xuất hiện tràn lan, tác động lớn tới hành vi tiêu dùng của công chúng, nhất là giới trẻ. Vì vậy, bà đề xuất cần tăng cường mức xử phạt đối với những vi phạm trong quảng cáo và yêu cầu các cơ quan, tổ chức có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Theo dự thảo luật, người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải xác minh độ tin cậy của bên quảng cáo, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và không được giới thiệu nếu chưa từng sử dụng hoặc chưa hiểu rõ. Ngoài ra, họ còn phải thông báo rõ ràng với công chúng về việc mình đang thực hiện quảng cáo. Nếu vi phạm, họ phải chịu trách nhiệm pháp lý như mọi chủ thể quảng cáo khác.
Theo Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng thực tế, các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả. Do đó, yêu cầu này khó khả thi khi thực hiện, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn.

Bên cạnh đó, về cơ chế bồi thường và hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, bà cũng đề xuất “cần quy định rõ hơn trong luật, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm liên đới, bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình.”
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm và trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo. Ông cho rằng không phải tất cả người có ảnh hưởng, như hoa hậu hay diễn viên, đều có đủ chuyên môn để quảng cáo các sản phẩm. Vì vậy, cần siết chặt quy định và chỉ những người có hiểu biết, có mối liên hệ với sản phẩm mới được tham gia quảng cáo, tránh tình trạng quảng cáo bừa bãi.

Với những quy định cụ thể và ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn, dự luật được kỳ vọng sẽ lập lại kỷ cương trong môi trường quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là chấn chỉnh hoạt động quảng cáo từ người có ảnh hưởng - nhóm đối tượng đang có vai trò rất lớn trong việc định hình thói quen tiêu dùng trong xã hội hiện đại.