PV VOV2 phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng về các nguy cơ, rủi ro và tính thực thi của Luật Dược sửa đổi trong bối cảnh thị trường thuốc online đang phát triển mạnh.
PV: Thưa bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thuốc online, bác sĩ có nghĩ rằng Luật Dược sửa đổi đã kịp thời để quản lý xu hướng này hay vẫn còn chậm so với thực tế?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi, Luật Dược của chúng ta đang chậm và không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia cũng đang gặp thách thức này. Thực tế việc mua thuốc online hiện nay đã trở thành thói quen phổ biến. Người dân đã quen với việc mua sắm qua ứng dụng, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến cả thuốc men. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, kể cả thuốc kê đơn cũng được bán online, khiến việc quản lý trở nên phức tạp. Mặc dù thị trường thuốc online hiện nay chỉ chiếm khoảng dưới 10% tổng thị phần, nhưng tốc độ tăng trưởng của nó rất cao, có thể lên tới 50% hàng năm, và ở một số quốc gia, con số này còn đạt tới 100%. Mặc dù Luật Dược sửa đổi là cần thiết, nhưng tôi cho rằng nó vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường.
PV: Trong khi Luật Dược sửa đổi quy định chỉ bán online thuốc không kê đơn để kiểm soát rủi ro, một số chuyên gia lại cho rằng, điều này chỉ mang tính “tạm thời”. Trong tương lai gần, sẽ không tránh khỏi việc mở rộng phạm vi bán thuốc kê đơn online, đặc biệt nếu nhu cầu tăng cao? Nếu vậy, chúng ta sẽ đối mặt với những nguy cơ gì?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Chúng ta sẽ cần thử nghiệm từng bước, bắt đầu từ thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng, với danh mục rõ ràng về từng loại thuốc. Tuy nhiên, trong tương lai, việc mở rộng sang thuốc kê đơn online có thể là xu hướng không tránh khỏi khi nhu cầu ngày càng tăng. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia đã cho phép kê đơn online, và nếu chúng ta cấm hoàn toàn, các nhà thuốc và người tiêu dùng có thể tìm cách lách luật để thuận tiện hơn. Việc bán thuốc kê đơn online đi kèm với nhiều rủi ro. Đầu tiên là nguồn gốc thuốc – nếu không đảm bảo, ai sẽ chịu trách nhiệm khi có sự cố? Tiếp đến là khâu tư vấn sử dụng, nhất là với các loại thuốc như paracetamol, dù là không kê đơn nhưng dễ gây ngộ độc nếu dùng sai liều. Cuối cùng, việc vận chuyển cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, làm tăng nguy cơ dị ứng và giảm hiệu quả điều trị. Việc bán thuốc kê đơn online tiềm ẩn nhiều vấn đề, nhưng nếu dự đoán trước và đưa vào các điều khoản chi tiết trong Luật, chúng ta có thể kiểm soát và hạn chế các rủi ro này tốt hơn.
PV: ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề xuất rằng nhà thuốc bán online cũng cần đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp phép. Việc thử nghiệm bán thuốc kê đơn qua đơn thuốc điện tử tại các nhà thuốc bệnh viện có khả thi không, và liệu có giảm thiểu được rủi ro như mong đợi?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Đề xuất của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu là một bước khởi đầu cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Hiện tại, việc bán thuốc qua đơn thuốc điện tử tại các bệnh viện mới chỉ đảm bảo được một phần trong quy trình – cụ thể là xác định được bác sĩ kê đơn, người bệnh, và nhà thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố quan trọng như khâu vận chuyển và tư vấn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ ban đầu có thể bắt đầu với thực phẩm chức năng hoặc thuốc không kê đơn để thử nghiệm, sau đó dần mở rộng. Chúng ta cần một lộ trình rõ ràng và không thể đòi hỏi một hệ thống hoàn thiện ngay lập tức.
PV: Theo khảo sát, có đến 65% người Việt tự ý mua thuốc mà không cần đơn, đặc biệt qua kênh online. Luật Dược sửa đổi liệu có thay đổi được thói quen này hay chúng ta cần thêm biện pháp giáo dục, kiểm soát khác?
BS Nguyễn Huy Hoàng: Nếu Luật Dược sửa đổi được xây dựng chi tiết và đồng bộ với các Bộ, ngành khác, tôi tin rằng chúng ta có thể dần thay đổi được thói quen này. Chẳng hạn, mỗi đơn thuốc cần có một mã định danh duy nhất (có thể là mã QR), tương tự như hóa đơn điện tử hiện nay. Điều này giúp truy xuất thông tin về bác sĩ kê đơn, nhà thuốc bán và liệu đơn thuốc đã được mua hay chưa. Khi đó, không chỉ quản lý tốt hơn mà còn giúp người dân có thông tin rõ ràng về thuốc họ sử dụng, tránh trường hợp một đơn thuốc bị mua ở nhiều nhà thuốc khác nhau mà không được kiểm soát.
PV: Nếu xảy ra một vụ ngộ độc thuốc từ sản phẩm mua qua mạng, hệ thống pháp luật hiện tại và Luật Dược sửa đổi có đủ công cụ để bảo vệ người tiêu dùng không? Hay chúng ta cần thêm giải pháp giám sát hiệu quả hơn?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Hiện tại thì vẫn chưa đủ. Ngay cả khi Luật Dược sửa đổi được thông qua, nó mới chỉ đặt nền tảng cơ bản cho việc quản lý. Ví dụ, nếu một người mua thuốc qua mạng và bị ngộ độc, rất khó để quy trách nhiệm cho cá nhân hoặc đơn vị cụ thể, nhất là khi nguồn gốc và chất lượng của thuốc online không được đảm bảo. Theo tôi, phải có quy trình chặt chẽ, từ việc cấp phép cho các nhà thuốc online, quản lý chất lượng thuốc, đến tư vấn cho người mua. Dù vậy, để hoàn thiện hệ thống quản lý, cần sự phối hợp của nhiều ngành, không chỉ riêng Bộ Y tế.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ!