Theo GS Nguyễn Anh Trí – đoàn ĐB QH TP Hà nội, khi bỏ cấp huyện và sáp nhập xã, địa bàn quản lý của các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có trạm y tế sẽ rộng hơn, quy mô dân số cũng lớn hơn, vì thế cần có sự điều tiết lại cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc sắp xếp hoạt động của các trạm y tế xã phải luôn dựa trên nguyên lý gần dân, để người dân dễ tiếp cận.

“Đối với YTCS càng gần dân càng tốt vì vậy đừng có khái niệm rằng ở xã bây giờ chỉ cần có 1 trạm y tế hoặc bệnh viện to là được. YTCS rất quan trọng vì là nơi cứu chữa được 80% nhu cầu KCB của người dân hầu hết các bệnh mang tính cấp tính, xử lý ngay nên càng gần càng tốt”, GS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để đảm bảo sự liên tục trong cung cấp dịch vụ y tế cho người dân sau sáp nhập, hiện nay trạm y tế các xã, phường, thị trấn và Phòng khám đa khoa khu vực vẫn duy trì hoạt động bình thường, dưới sự quản lý của UBND cấp xã, phường mới.

Về chuyên môn, theo bà Trần Thị Trang Vụ Trưởng Vụ BHYT, trạm y tế xã được trao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới như thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người dân.“Trạm y tế xã tương lai sẽ giống như phòng khám đa khoa - cơ sở y tế cấp ban đầu đủ năng lực khám, chữa bệnh đa khoa ngoại trú, CSSK người già, trẻ em, bệnh nhân mãn tính, tư vấn sức khoẻ tâm thần…”.

Để y tế cơ sở thực hiện tốt những nhiệm vụ này, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, theo bà Trần Thị Trang cần phải có chính sách thu hút nhân lực, bồi dưỡng nhân lực, đúng như tinh thần của Nghị quyết 46 là nghề y là "nghề đặc biệt".

GS Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, y tế cơ sở phải đầu tư xứng đáng và phù hợp với nhu cầu của chính địa phương đó. Đặc biệt, phải có đội ngũ cán bộ tốt – giỏi – đủ. Muốn được như vậy “phải đảm bảo được chế độ lương ở đó thật tốt. Lương cho nhân viên y tế cơ sở phải được Nhà nước bảo đảm, không phải tự chủ để tự kiếm sống – cái này rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với GS Nguyễn Anh Trí, theo TS Trần Tuấn, chuyên gia nghiên cứu, phản biện và vận động chính sách y tế theo hướng phát triển cộng đồng, y tế cơ sở phải được bao cấp – không chỉ lương mà các điều kiện khác để hoạt động như cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị. Đặc biệt, theo ông, trong giai đoạn hiện nay không chỉ là thay đổi về mô hình tổ chức, y tế cơ sở còn cần thay đổi cách thức vận hành.

“Khi chính quyền chỉ còn 2 cấp thì y tế cơ sở phải thực sự trở thành tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện các chức năng: dự phòng, phát hiện sớm, quản lý bệnh mãn tính, khám sức khỏe định kỳ và ứng dụng sổ sức khỏe điện tử. Đây là cơ hội đổi mới toàn diện hệ thống y tế cơ sở và nó đòi hỏi phải có sự đột phá. Những vấn đề của y tế cơ sở chúng ta nêu ròng rã 2 thập kỷ qua nhưng chưa cải thiện được, vì vậy đây là cơ hội để xác lập rõ ràng lại y tế xã, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng đúng yêu cầu của thời đại công nghệ và kỹ thuật số và khôi phục lại niềm tin của người dân vào y tế chăm sóc gần nhà”, theo TS Trần Tuấn.

Bà Trần Thị Trang Vụ Trưởng Vụ BHYT cho biết, trong chiến lược phát triển y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ xây dựng chiến lược đào tạo bác sĩ hướng về xã và tới đây tư duy về y tế xã cũng sẽ phải thay đổi theo hướng là một “hạt nhân” của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của quốc gia, là “cửa ngõ” của hệ thống y tế. Từ đó, sẽ có cơ chế hợp lý, chính sách đầu tư phù hợp để giải quyết những điểm nghẽn hiện nay.