Cách đây 3 hôm, chị Cao Thị Thùy- sống tại Mễ Trì- quận Nam Từ Liêm- HN hớt hải đưa con đến bệnh viện cấp cứu sau khi con trai 11 tháng tuổi gặp phải các biểu hiện đau bất thường và được một phòng khám tư chẩn đoán bé bị lồng ruột.
Khoảng 5h chiều vào bệnh viện, bé Hưng được cấp cứu để tháo khối ruột lồng bằng kỹ thuật bơm hơi kiểm soát bằng siêu âm. Tuy nhiên, do khối lồng của bé chặt và dài nên các bác sĩ phải tiến hành tháo lồng cho bé tới 3 lần.
Cuối cùng, chị Thùy đã thở phào khi con đã qua giai đoạn nguy hiểm khi khối lồng ruột đã được tháo thành công, con trai sau đó đã có thể ăn uống được bình thường, bé tươi tỉnh và có thể chơi đùa trở lại.
Sau khi điều trị tháo lồng ruột bằng bơm khí dưới sự giám sát bằng máy siêu âm, hầu hết các gia đình bệnh nhi đều cảm thấy may mắn vì biện pháp can thiệp đơn giản, nhanh chóng và nhẹ nhàng, giúp các bé nhanh hồi phục.
“Phương pháp này rất tốt, bé đã hết đau, ăn được, chơi được và nhanh được ra viện”- chị Thanh Thúy phấn khởi cho biết.
Trước đây, trẻ nhỏ khi bị lồng ruột thường được chỉ định tháo lồng bằng nhiều hình thức như gây mê tại phòng phẫu thuật, tháo lồng tiền mê hoặc bằng cách bơm hơi dưới hướng dẫn của màn hình X-quang… Tuy nhiên, để giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ, PGS-TS Trần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi- PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – HN cho biết, hiện BV Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện tháo khối ruột bị lồng bằng cách bơm khí dưới sự kiểm soát của siêu âm với nhiều ưu điểm vượt trội.
“Tháo lồng hiện giờ rất nhanh, thủ thuật chỉ 5-10 phút, tháo lồng ruột ngay tại giường. Siêu âm thì khó hơn vì khó bắt khí nhưng chúng tôi thực hiện siêu âm định kỳ kết hợp với lâm sàng, bơm xong đánh giá nếu tháo được thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay tại giường. Phương pháp này rất nhẹ nhàng, đánh giá được ngay tình trạng của trẻ, kết quả rất tốt. Điều quan trọng nhất là tránh được tia xạ và tiện lợi. Người bệnh không phải di chuyển đi các khoa khác, tiện cho cả người bệnh và bác sĩ. Thêm nữa, bệnh nhi tránh phải dùng thuốc an thần gây tác dụng phụ cho thần kinh”- PGS-TS-BS Sơn khẳng định.
Sau vài ngày điều trị bằng phương pháp này, các em bé hết đau bụng, ăn uống bình thường và có thể vui đùa trở lại khiến cha mẹ và người thân cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm hơn. PGS-TS-BS Trần Ngọc Sơn cho biết, hầu hết các bé đều bình phục rất nhanh và việc chăm sóc sau đó cũng đơn giản hơn nhiều:
“Đa số trẻ được xuất viện sớm. Cẩn thận thì hôm trước tháo lồng, hôm sau có thể xuất viện về nhà. Hoặc sáng tháo chiều có thể xuất viện nếu trẻ không sốt. Tuy nhiên, cũng có trẻ sau khi tháo lồng ruột xong có thể bị rối loạn tiêu hóa do bị nhiễm virus và viêm hô hấ, tình trạng này chỉ cần điều trị nội khoa 1-2 ngày là sức khỏe ổn định”- PGS-TS-BS Trần Ngọc Sơn nói.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là cơ sở đầu tiên tại nước ta triển khai phương pháp này. Thời gian qua, bệnh viện đã thực hiện tháo lồng ruột tại giường cho khoảng 600 trường hợp bệnh nhi. Tỷ lệ thành công chiếm khoảng 96-97%, rất ít trẻ phải mổ.