Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Y tế:
Hiện hơn 87% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỷ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp ba lần tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp THCS trở lên chỉ chiếm gần 20%. Về trình độ chuyên môn, hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.
Trong những năm qua, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hòa nhập xã hội được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Việt Nam là một trong số những quốc gia đã ban hành hệ thống chủ trương pháp luật về người khuyết tật khá đầy đủ, khá toàn diện. Việt Nam có Luật người khuyết tật và đã phê duyệt Công ước về quyền người khuyết tật. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 39 chỉ đạo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 của Việt Nam đã dành 1 mục riêng, với 3 điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật, sử dụng lao động là người khuyết tật và những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Luật người khuyết tật cũng có Chương 5, quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều người khuyết tật như: Vay vốn ưu đãi, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu tiên thuê mặt bằng làm cơ sở, hỗ trợ cải tạo điều kiện môi trường, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí v.v…
Bên cạnh sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân, sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành trong triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách việc làm dành cho người khuyết tật, ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190 phê duyệt chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, nhiều mục tiêu về dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật được ưu tiên triển khai như: Đến năm 2030 có 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm; hỗ trợ 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế... Tuy nhiên, thực tế đời sống và cơ hội tìm việc làm đối với người khuyết tật vẫn rất khó khăn.
Theo bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Y tế, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người khuyết tật chưa được học nghề, chưa có trình độ chuyên môn đáp ứng với công việc; thiếu kỹ năng,.... Doanh nghiệp cũng chưa mặn mà tuyển người khuyết tật vào làm việc vì nhiều doanh nghiệp ngại nhận người khuyết tật vào làm việc phải cải tạo điều kiện, hoặc không có điều kiện để cải tạo như: đường tiếp cận, nhà vệ sinh, v.v... hay trang thiết bị phù hợp với người khuyết tật. Hơn nữa, đa phần người khuyết tật di chuyển rất khó khăn khi đi làm hàng ngày từ nhà đến chỗ làm, các doanh nghiệp không bố trí được chỗ ăn ở.
Để tạo điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có cơ hội việc làm, có thể hòa nhập một cách bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội, thời gian tới, Cục bảo trợ xã hội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ:
1. Tuyên truyền, giám sát các chính sách hỗ trợ người khuyết tật tự tạo việc làm và các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật như: vay vốn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cải tạo điều kiện, cơ sở vật chất v.v…
2. Tham mưu Ủy ban quốc gia có văn bản yêu cầu các địa phương khi tổ chức sàn giao dịch việc làm phải tính đến người khuyết tật.
3. Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tổ chức tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn thủ tục, điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
4. Tiếp tục tăng cường thực hiện các mô hình dạy nghề tạo việc làm và mô hình đa dạng hóa sinh kế đối với người khuyết tật.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, việc làm, người khuyệt tật còn có rất nhiều chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội tùy thuộc vào dạng tật và mức độ khuyết tật, tuy nhiên, hiện nay chủ yếu tập trung hỗ trợ cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng như:
- Trợ cấp hàng tháng:
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (đi khám được miễn 100%) đi khám bệnh được ưu tiên;
- Đi học được: Miễn, giảm học phí, tùy thuộc mức độ khuyết tật và dạng tật được miễn một số môn học, ….;
- Được miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và các dịch vụ; v...v…
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật được quy định như sau:
- Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng mức thấp nhất là 1 triệu đồng/1 tháng. Nếu là trẻ em hoặc người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng 1,25 triệu đồng/1 tháng. Được hỗ trợ 01 người chăm sóc mức thấp nhất 500.000 đồng /1 tháng.
- Người khuyết tật nặng được hưởng mức thấp nhất là 750.000 đồng/1 tháng. Nếu là trẻ em hoặc người cao tuổi khuyết tật nặng 1 triệu đồng/1 tháng.