Con bị táo bón- Cha mẹ là bác sĩ tại gia

Từ sáng đến chiều, bé Hải Lâm - 3 tuổi con chị Hoàng Thùy Giang ở quận Hoàng Mai- HN đi ra đi vào nhà vệ sinh cả chục lần mà không đi ngoài được, điều này khiến bé vô cùng khó chịu, còn mẹ bé cũng đứng ngồi không yên vì sốt ruột và lo lắng cho con. Cả nhà đã tìm đủ mọi cách để giúp bé thoát khỏi những khó chịu của chứng rối loạn tiêu hóa. Ai mách gì là chị Giang thực hiện ngay

“Bé hay bị táo bón, những lúc như vậy lại áp dụng mẹo dân gian theo các cụ như xay lá diếp cá rửa sạch, xay lấy nước cho các con uống… Mọi người mách bảo cho uống lá rau khoai lang luộc lên lấy nước uống vì các con ít ăn rau rồi nấu canh rau dền, rau mùng tơi… làm đủ các biện pháp

Ngoài thay đổi chế độ ăn uống thiên về rau xanh để bổ sung chất xơ, chị Thùy Giang cũng cho con dùng thêm các loại men tiêu hóa theo sự mách bảo của người thân, bạn bè.

Mẹ bé Tâm Anh ở Cầu Giấy cũng đã trải qua đủ mọi cách giúp con gái 9 tháng tuổi có thể đi vệ sinh đều đặn hơn, thay vì 7-10 ngày mới đi ngoài một lần: “Hơn 4 tháng qua con bị táo bón cứ 4-5 ngày lại thụt mật ong để con đi vệ sinh, dùng men nhưng không ăn thua, con chỉ bú mẹ mà vẫn táo bón, đợt vừa rồi ăn dặm chỉ nấu bột rau củ, tình trạng không cải thiện, thời gian gần đây thấy con đi ngoài thấy có lẫn máu nên sợ quá phải cho đi khám và điều trị”. Sau vài tuần điều trị tại bệnh viện đa khoa Medlatec, tình trạng táo bón của bé đã được cải thiện đáng kể, chứng kiến bé có thể đi vệ sinh bình thường mỗi ngày một lần mà không cần phải thụt tháo, cả nhà bé Tâm Anh vui như “hội”.

Tự chữa táo bón sai cách khiến trẻ dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm

Ths- BS Trần Thị Kim Ngọc – chuyên khoa Nhi- BV Đa khoa Medlatec, cho biết, táo bón là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, chiếm 3-5% tổng số trẻ đến khám ngoại trú. Táo bón bao gồm các triệu chứng tiêu không hết, tiêu không thường xuyên và khó khăn khi đi tiêu, đi tiêu kéo dài mà không kèm theo bất thường giải phẫu học hoặc sinh hóa. Ba giai đoạn trẻ dễ bị táo bón nhất đó là giai đoạn ăn dặm, giai đoạn trẻ tập đi vệ sinh và giai đoạn trẻ bắt đầu đi học.

“Cha mẹ cần phân biệt 2 thể táo bón: táo bón chức năng và táo bón thực thể, trong đó, có tới 90% trường hợp bị táo bón chức năng. Táo bón thực thể chiếm <5% tổng số trẻ táo bón thường liên quan đến các tổn thương thực thể như bệnh lý tắc ruột, phình đại tràng, suy giáp hay một số nguyên nhân thần kinh khác”- BS Ngọc cho hay.

Cha mẹ cũng cần đề phòng những biến chứng nguy hiểm khi diễn ra tình trạng táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ khiến phân tích tụ không thoát ra ngoài, gây chướng bụng, đầy hơi làm trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, khó tiêu... Từ đó dẫn đến chứng biếng ăn, kém hấp thụ dinh dưỡng gây suy dinh dưỡng. Ngoài ra, táo bón lâu ngày còn làm giảm sức đề kháng hoặc gây nứt kẽ hậu môn ở trẻ nhỏ.

“Ngay khi điều trị táo bón cho các bạn nhỏ đến khám tại bệnh viện Medlatec, việc đầu tiên đó là tư vấn cho phụ huynh hiểu về bệnh và hợp tác với điều trị. Nhiều khi thấy các con đi vệ sinh khó quá, các cha mẹ thường có tâm lý lo lắng và sốt ruột, giải pháp tình thế được các cha mẹ lựa chọn chính là thụt hậu môn hay cho uống các loại thuốc làm mềm phân. Việc giải phóng phân là điều cần thiết ở trẻ bị táo bón. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những mục tiêu điều trị chứ chưa thể điều trị vấn đề cốt lỗi của bệnh. Táo bón vẫn còn và dai dẳng. Thêm nữa, khi thụt con có thể dễ đại tiện nhưng dần con sẽ mất phản xạ tự đi tiêu và phụ thuốc vào thụt tháo điều này không tốt”- BS Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, BS Ngọc cũng gặp nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa táo bón và sự khó khăn khi đi tiêu dẫn đến thụt tháo sai. Chứng khó đại tiện (cũng có thể được gọi là chứng loạn đồng vận, rối loạn bài tiết, rối loạn chức năng sàn chậu hoặc cơ vòng hậu môn, hoặc rối loạn chức năng đại tiện) là khó đại tiện. Bệnh nhân cảm thấy có phân và muốn đại tiện nhưng không thể. Đó là kết quả của sự thiếu phối hợp giữa cơ đáy chậu và cơ thắt hậu môn. Đặc biệt, đối với táo bón thực thể sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian chậm chẩn đoán bệnh từ đó làm chậm quá trình tiếp cận điều trị cho trẻ.

Thêm vào đó, mọi loại thuốc tác động lên trẻ đều gây ảnh hưởng nhất định. Trong điều trị táo bón, bổ sung men tiêu hóa hay men vi sinh không phải là ưu tiên số một

“Việc giải phòng khối phân tích tụ. Đồng thời tạo lập và duy trì thói quen đi tiêu đúng (ít nhất 3 lần /tuần , phân mềm và không cảm giác khó chịu khi đi tiêu) là ưu tiên hàng đầu. Trong đó bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhuận tràng, tạo lập thói quen đi tiêu đúng cách và thay đổi chế độ ăn. Như vậy men tiêu hóa hay men vi sinh sẽ không phải lựa chọn đầu tiêu trong điều trị. Tuy nhiên, các loại men sẽ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ điều trị và cải thiện triệu chứng cho hệ đường ruột của trẻ”- BS Ngọc nói.

Trị táo bón cho trẻ đúng cách và an toàn

BS Trần Thị Kim Ngọc cho rằng, với táo bón chức năng, việc thay đổi môi trường, thay đổi chế độ ăn, lịch sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều.

Trẻ trên 6 tháng tuổi đã cần bổ sung nước trong chế ăn hằng ngày. Đặc biệt khi trẻ vận động vui chơi nhiều. Tuy nhiên, đại đa số trẻ đều ít được quan tâm tới vấn đề uống nước hằng ngày. Và thường bổ sung ít. Việc quan tâm tới bổ sung đủ nước cho trẻ đặc biệt là trẻ bị táo bón là điều nên làm.

“ Tuy nhiên, có một sai lầm các mẹ hay mắc phải, đó là cho con uống nhiều nước nhưng chủ yếu là nước ép trái cây. Cũng như chất xơ, tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn tỏ ra có hiệu quả trong giai đoạn ngừng thuốc nhuận tràng. Tuy nhiên, khi bổ sung nhiều chất xơ mà lại không uống nhiều nước thì cũng không có tác dụng. Cách đơn giản nhất là cho trẻ tăng cường ăn trực tiếp các loại trái cây, ngũ cốc”- BS Ngọc khuyến cáo.

Nếu do táo bón cơ năng, hầu hết là do môi trường sinh hoạt, môi trường sống cũng như chế độ ăn của em bé. Con phải ăn đủ 4 nhóm chất, ăn cân bằng, không ăn thiên về một loại thực phẩm nào cả. Ngoài ra, em bé phải uống đủ nước.

“Tính bình quân là cứ 10kg đầu tiên thì lượng nước, lượng dịch cần cung cấp khoảng 1000ml. Hoặc nếu em bé hoạt động ra mồ hôi nhiều, cha mẹ cũng cần bổ sung thêm nước cho em bé. Ngoài ra, môi trường lớp học mới cũng ảnh hưởng tới sự thoải mái khi đi vệ sinh của em bé, do vậy, mẹ cần động viên bé, tạo cho bé tâm lý thoải mái, không lo lắng về việc đi vệ sinh ở trường. Em bé cần hoạt động, đặc biệt là hoạt động bằng đôi chân, hoạt động thể lực để nhu động ruột được điều hòa để giúp việc đi tiêu được dễ dàng hơn” – BS Ngọc tư vấn.

Mức độ táo bón từ trung bình đến nặng, mẹ sẽ cần đưa bé đến gặp bác sĩ và tuân thủ điều trị.

“Điều quan trọng là mẹ cần phải hiểu bản chất của táo bón để đồng hành cùng bác sĩ, đồng hành cùng con. Việc mẹ động viên, tạo thói quen cho con đi tiêu vào buổi sáng hoặc mẹ chăm sóc, thay đổi chế độ ăn của con cũng là yếu tố mang lại thành công cho điều trị, điều này có thể áp dụng trong khoảng thời gian đầu mà không cần đến thuốc”- BS Ngọc nhấn mạnh.