Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.

Đầu năm 1960, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng.

Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chủ trương xây dựng tuyến chi viện chiến lược, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là thành công lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quan trọng, thiết thực nhằm tuyên truyền sâu rộng chiến công và thành tích vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã làm nên trang sử oanh liệt của dân tộc, một thiên anh hùng ca bất tử, góp phần tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian. Tên tuyến đường ấy nổi bật là sự mưu trí sáng tạo, ý chí quật cường dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của lực lượng vận tải đường biển. Ông Nguyễn Kim Pha, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hải Phòng khẳng định: "Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện chủ trương đúng đắn sáng tạo, tầm nhìn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quyết định mở tuyến đường chiến lược quan trọng trên biển, có vai trò to lớn trong chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiếng chống Mĩ cứu nước của dân tộc".

Trong giai đoạn mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, vừa có thuận lợi vừa có những thách thức mới. Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cần tiếp tục phát huy giá trị của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. “Việc xây dựng, tổ chức thành công tuyến vận tải Đường Hồ Chí Minh trên biển có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tình đoàn kết quốc tế hiện nay” - Đại tá Nguyễn Văn Sáu khẳng định.

Nhân kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, thành phố Hải Phòng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền ý nghĩa. Hội thảo khoa học: “Đường Hồ Chí Minh trên biển-kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, là một trong các hoạt động quan trọng được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, theo hình thức trực tuyến tại 26 điểm cầu trong ngày 19-10. Ông Nguyễn Kim Pha, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hải Phòng cho biết: Hoạt động dâng hương được tổ chức tại khu Di tích lịch sử Bến K15-Điểm xuất phát Đường Hồ chí Minh trên biển (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng); thăm tặng quà gia đình chính sách... Các hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Nói tới Đường Hồ Chí Minh trên biển phải nhắc tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” (Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải quân). Trên những chuyến “Tàu không số”, nhiều cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên, đã xử trí tài tình, mưu trí, điều khiển con tàu giữ vững hành trình vào miền Nam.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân chủng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: Năm nay, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cuộc thi thiết kế các sản phẩm truyền thông số về “Đoàn tàu không số”; thi trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức về đường Hồ Chí Minh trên biển; những chiến công của các chiến sĩ “Đoàn tàu không số”...

Có thể nói “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. Các hoạt động kỷ niệm 60 năm thêm một lần nữa giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới./.