Cựu chiến binh (CCB) Hà Đăng Ninh (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập ngũ khi tròn 17 tuổi. Đơn vị của ông đóng quân chủ yếu ở 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế. Có lẽ chiến tranh càng ác liệt, tình đồng chí, đồng đội càng gắn bó keo sơn. Năm 1972, ông bị sốt rét được các đồng đội khiêng ra bệnh viện dã chiến ở gần sông Ba Lòng. Dù đã ngụy trang nhưng vẫn bị địch phát hiện và ném bom. May mắn ông không sao nhưng đồng đội có người bị thương, người hy sinh. Đây cũng là điều khiến ông day dứt và luôn nhớ đến tình đồng chí, đồng đội. “Anh em hy sinh để mình được trở về nên mình cần phải sống có trách nhiệm, phải tri ân đồng đội”. Ông Ninh tâm sự.

Cuộc hành trình đi tìm đồng đội của CCB Hà Đăng Ninh bắt đầu từ năm 2001. Đến nay, sau 20 năm, ông cùng Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên đã tìm được 33 liệt sĩ trong một hố chôn tập thể và 5 liệt sĩ ở nghĩa trang địa phương. Số lần đi lại cho đến lúc khánh thành khu mộ tập thể và di tích lịch sử vào ngày 27/7/2020 là 12 lần.

Trong số các chuyến đi, chuyến đi tìm ngôi mộ tập thể của 33 liệt sỹ là thương binh, y, bác sỹ của Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4, quân khu Thị Thiên bị địch sát hại ngoài cồn cát khiến ông nhớ mãi. Trạm phẫu tiền phương Trung đoàn 4 đóng tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi cứu chữa cho hàng trăm thương bệnh binh chiến đấu tại mặt trận Bình Thị Thiên. Cũng chính tại nơi đây, ông đã được các y, bác sĩ hết lòng chăm sóc, điều trị.

Ông Ninh kể: Ngày 12/3/1975, địch dùng xe tăng cùng máy bay trực thăng yểm trợ tiến thẳng vào khu vực trạm phẫu, giết hại 33 thương binh, y, bác sĩ của trạm. Sau đó chúng đưa đi chộn tập thể tại cồn cát. Sau khi địch rút quân, du kích cùng người dân địa phương đã quay trở lại chôn cất các liệt sỹ. Năm tháng qua đi, cồn cát bị san phẳng và người dân cũng không ai còn nhớ đến sự kiện này.

Năm 2008, trong 1 lần họp Ban liên lạc đơn vị, ông có dịp được gặp 2 chị từng là du kích của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chị nói chuyện với ông về ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ bị địch sát hại gần 50 năm về trước. Sau khi đối chiếu lại các thông tin, ông cùng một số thành viên trong Ban liên lạc quyết định lên đường.

Gần 50 năm qua, chiến trường xưa cũng đã đổi khác, nhân chứng của sự kiện đó không còn nhiều khiến cho việc tìm kiếm càng trở nên khó khăn. Thế nhưng vì trách nhiệm, vì lời hứa với đồng đội mọi người đều cố gắng vượt qua với mong muốn sớm tìm được đồng đội. Ông Cao Lưu - Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 4 chia sẻ.

Qua nhiều lần khảo sát, tìm gặp nhân chứng, xin phép chính quyền địa phương công tác khai quật được tiến hành. Nhiều di vật được tìm thấy như: tấm đá từng là bàn mổ cho các thương binh; dép…khiến các thành viên của Ban liên lạc vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.

Với suy nghĩ không để sự kiện lịch sử nào bị bỏ quên nên sau khi tìm được mộ đồng đội, CCB Hà Đăng Ninh và Ban liên lạc lại tổ chức phát động, kêu gọi nhà hảo tâm đóng góp xây dựng khu tưởng niệm và khu mộ tập thể các liệt sỹ.

Ngay sau cuộc phát động, nhiều CCB đã tình nguyện tham gia. Chẳng hạn có CCB dù hoàn cảnh khó khăn, không biết đi xe máy vẫn đạp xe hơn 10 km đến nhà hội trưởng để gửi 50.000 đồng thắp hương cho đồng đội, hay như 1 CCB ở tỉnh Lạng Sơn tình nguyện cho Ban liên lạc mượn xe và làm tài xế trong suốt hành trình, rồi 1 CCB ở tỉnh Thái Bình ủng hộ 1 quả chuông trị giá hơn 60.000.000 đồng và đặc biệt là tập đoàn TAT sẵn sàng giúp kinh phí đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử Trạm phẫu thuật tiền phương. CCB Hà Đăng Ninh kể.

Sau gần 2 năm xây dựng, khu di tích được khánh thành trên diện tích rộng hơn 300 ha với kinh phí hơn 3.000.000.000 đồng. Điều vui mừng hơn là khu di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhiều cán bộ, chiến sỹ, người dân và các gia đình liệt sỹ đều xúc động, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục và biết ơn về những CCB đã hết lòng vì nghĩa tình đồng đội. Bà Trương Thị Hồng Loan thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Huy Toàn cho rằng dù không đưa được người thân trở về nhưng giờ đây khu di tích đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp của 33 liệt sỹ, hơn nữa đây còn trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mãi nhớ về sự kiện lịch sử này. Bà Loan chia sẻ.

Chiến tranh tuy đã lùi xa vào quá khứ, nhưng những người như CCB Hà Đăng Ninh và nhiều CCB khác vẫn luôn canh cánh một nỗi buồn khôn nguôi vì hiện nay nhiều gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ người thân. Dù có gặp khó khăn nhưng các ông luôn giữ trọn lời hứa với đồng đội, luôn đau đáu một tâm nguyện đi tìm hài cốt liệt sỹ để đưa các anh trở về với gia đình với quê hương./.

Mời nghe chương trình tại đây: