Ông Phan Công Thi, ở thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tham gia chống Mỹ. Hòa bình lập lại, ông chuyển công tác về trường Sỹ quan Lục quân 2. Năm 1984, ông trở về quê với vết thương ở tay, thương tật 41%, hạng 4/4, hưởng chế độ thương binh và chất độc màu da cam. Được bố mẹ để lại cho 5 hecta vườn đồi ở thôn Hoa Sơn, ông Thi cùng vợ con chuyển đến dựng nhà, khai hoang lập nghiệp. Để đủ tiền lo cho 7 người con ăn học, vợ chồng ông làm ruộng, hết vụ mùa thì đi xây, phụ hồ.

Nhiều đêm nằm không ngủ được, cựu binh suy nghĩ "nếu cứ làm thuê thì mãi nghèo, phải nghĩ ra cách gì đó để làm chủ". Nhớ thời đi chiến đấu, băng qua những vườn cao su bạt ngàn ở Đồng Nai, Bình Phước..., ông lóe lên ý tưởng: "Mình cũng có đồi rộng, hay là khai hoang thêm để trồng những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng ở Hà Tĩnh".

Kế hoạch đưa ra bị vợ ông là bà Đào Thị Thanh, 63 tuổi, phản đối gay gắt. Bà Thanh cho rằng "chăn nuôi không khả thi, trồng cây thì biết đời nào cho thu hoạch", nên bảo "ông làm thì cứ tự túc một mình".

Dù hơi buồn, ông Thi quyết định khai hoang. Hàng ngày ông vác nông cụ lên đồi chặt cây, cuốc đất, bắt đầu từ năm 1990. Thấy ông đào đất trồng cây ngày đêm, nhiều người đi qua nói: "Làm ất ơ, thành công bọn tôi đi đầu xuống đất". Với những bạn bè hiểu chuyện, ông chia sẻ ý định của mình. Một vài người dè bỉu, ông đáp: "Tôi trồng cây lấy củi".

Từ 5 hecta đất, sau vài năm khai hoang, ông Thi mở rộng lên 30 hecta, được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đủ tiêu chí làm mô hình nông lâm kết hợp. Giai đoạn đầu, ông trồng cây bạch đàn bán, sau thấy không hiệu quả chuyển sang trồng keo. Những đám cỏ tranh cao gần lút đầu người được cắt về lợp nhà, đem nhập cho bà con trong vùng để kiếm thêm thu nhập.

"Cầm cuốc nhiều nên hai bàn tay tôi chai sạn, nhiều chỗ bầm dập", ông Thi kể. Thấy chồng vất vả, bà Thanh gác lại công việc bên ngoài, ở nhà phụ giúp trồng trọt, chăn nuôi. "Bà ấy phản đối suốt 5 năm, nhưng lâu dần thấy sự kiên trì của tôi nên cũng xuôi. Vợ ủng hộ, tôi như được tiếp thêm 200% sức lực, cày cuốc ngày đêm mà không biết mệt mỏi", cựu binh nhớ lại.

Vì kinh nghiệm bằng không, ông Thi vừa làm vừa học hỏi. Tranh thủ thời gian rảnh, ông đi đến các huyện khác học mô hình trang trại nông lâm kết hợp, tích lũy thêm kiến thức. Vốn không có, ông làm hồ sơ gửi lên chính quyền vay theo diện ưu đãi làm vườn đồi. Tối đa ông được cấp 100 triệu đồng, song vì chưa tin tưởng, cán bộ chỉ duyệt chi 50 triệu đồng. Cựu binh sau đó đành vay thêm họ hàng, bạn bè để "theo đến cùng".

Ngoài trồng keo, ông Thi đào ao rộng một hecta thả cá, nuôi hàng chục con trâu, trồng thêm cây cảnh bán để có tiền lấy ngắn nuôi dài. Cứ sau 5 năm, cây keo cho thu hoạch, bán luân phiên, mỗi vụ lời hàng trăm triệu đồng. Trâu nuôi 1,5 năm thì bán, giá trung bình 20 triệu đồng một con, lời 5 triệu đồng. Ao nuôi hơn một tấn cá leo, chép, trôi, rô phi... bán quanh năm, ngoài giao dịch tại chỗ thì còn tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.

Theo ông Thi, cây keo cho thu nhập lớn nhất, do có nhiều nhà máy gỗ dăm trên địa bàn đặt mua. Mỗi vụ keo, chủ vườn thuê thêm 20 nhân công, trả 200.000-250.000 đồng một ngày. Trước kia có thuê thêm người chăn trâu, song bây giờ mở rộng thêm được diện tích nên hàng ngày ông Thi dậy sớm lùa 40 con trâu vào đồi sâu ăn cỏ, đến cuối chiều chúng tự về. 7 người con thì 6 người đã lập gia đình, sinh sống trên địa bàn, thỉnh thoảng đến hỗ trợ bố mẹ làm vườn.

"Từ năm 2003, trang trại bắt đầu sinh lời. Trung bình một năm, sau khi trừ chi phí, tôi lời khoảng một tỷ đồng từ tiền bán cây keo, trâu, cá, cây cảnh...", ông Thi nói. Hiện, những khoản nợ vay ngày xưa đã trả hết, vợ chồng ông cùng con trai út làm nhà ở tại trang trại. Có tiền tích lũy, ông sắm thêm ôtô đi lại, hỗ trợ các con mua thêm nhiều vật dụng đắt tiền trong nhà, phát triển mô hình kinh tế.

Ngẫm lại, ông Thi nói "đôi khi cũng liều", nhiều đêm nằm không ngủ được vì sợ mô hình thất bại, nợ chồng nợ, con cái khổ. Giờ ông cảm thấy vui, dù kế hoạch đặt ra mới đạt khoảng 70%. Bài học ông rút ra là phải kiên trì, chịu khó, khiêm tốn, "nếu khó khăn một tý mà bỏ đi thì sẽ hỏng". Những người ngày xưa hoài nghi, nay đến thăm trang trại đều nói "đã hiểu sai". Nghe xong ông Thi cười xuề xòa, lấy ngay chén rượu mật ong cùng nhâm nhi, rồi bảo "tôi không để ý đâu".

Hiện, ông Thi đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng vào 30 hecta trang trại. Ngoài đúc rút kinh nghiệm người đi trước, ông còn lên mạng nghiên cứu phương pháp khi trồng một loại cây mới, chẳng hạn mai cảnh. Đến nay, vườn mai có hơn 2.000 gốc, mỗi cây bán ra thị trường 30-40 triệu đồng. Mong muốn của ông là tạo thêm cảnh quan, biến nơi đây thành khu sinh thái để thu hút nhiều người tới tham quan, câu cá, nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Khi sức khỏe yếu, các con sẽ thay ông phát triển trang trại.

"Đối với xã hội, tôi chỉ là hạt cát. Nếu sức khỏe cho phép, tôi muốn đi thêm nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều người nữa để làm đa dạng vốn kiến thức về nông nghiệp của bản thân", ông Thi nói và cho hay những lúc mệt mỏi thường ra ao câu cá, thấy đàn trâu đi ăn khỏe mạnh trở về thì mọi muộn phiền tiêu tan.

Bà Trần Thị Minh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Hoa, đánh giá cựu binh Phan Công Thi kiên trì, ham học hỏi, luôn biết vượt qua hoàn cảnh để vươn lên. "Dù giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ cây keo và gia súc hạn chế, lúc cán bộ xã đến ông luôn vỗ vai bảo: Tôi không làm chính quyền thất vọng đâu. Và thực tế ông ấy đã chứng minh lời khẳng định đó", bà Phong kể.

Nguồn: vnexpress.net