Thực hiện phong trào “Xóa đói, giảm nghèo” giai đoạn 2016-2021, Hội Cựu Chiến binh tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng gần 4.700 mô hình sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 16.500 lao động; hộ nghèo giảm từ 0,91% năm 2016 xuống còn 0,14% năm 2021; hộ khá và giàu chiếm hơn 71,3%. Trao đổi với phóng viên VOV2, Vũ Công Tiến, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng chia sẻ một trong những bí quyết tìm cách làm cho hội viên thấu hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phóng viên: Thưa ông! Trong giai đoạn 2016-2021, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng có cách thức gì để khích lệ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo?

Ông Tiến: Chúng tôi phát động các phong trào hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chúng tôi xây dựng các mô hình 1 cựu chiến binh hỗ trợ 1 cựu chiến binh nghèo hoặc 2 cựu chiến binh trở lên giúp cho 1 CCB nghèo. Các mô hình này triển khai tại các thôn, xã, phân công cụ thể cho từng đồng chí ở các Câu lạc bộ doanh nghiệp của cựu chiến binh đảm trách, có trách nhiệm kêu gọi các CCB làm kinh tế giỏi tham gia vào để hỗ trợ cho những hội viên nghèo.

Phóng viên: Một trong những cái khó mà phần lớn các hộ gia đình muốn phát triển kinh tế là vốn. Vấn đề này, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng có sự hỗ trợ như thế nào đối với hội viên?

Ông Tiến: Chúng tôi phối hợp với Liên minh Hợp tác xã các tổ chức các mô hình Hợp tác xã. Ở cơ sở, anh em phát triển tương đối khá mô hình này. Thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi còn phát triển các Tổ hợp tác tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện mô hình này, tỉnh có hỗ trợ vốn vay cao hơn thông thường. Mỗi thành viên trong tổ hợp tác, thường từ 8-10 hộ, có thể vay được 1 tỷ đồng tiền vốn. Số tiền này các đồng chí xoay vòng để triển khai các mô hình phát triển kinh tế. Cách thức này cũng giúp tập hợp được anh em cựu chiến binh

Chúng tôi cũng xây dựng CLB Doanh nhân cựu chiến binh. Thông qua đây, chúng tôi triển khai các hoạt động hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hội viên.

Phóng viên: Có thể nói, CCB tỉnh Lâm Đồng có sự bứt phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Theo ông, bí quyết nào giúp Hội đạt được kết quả đó?

Ông Tiến: Tôi nghĩ trước hết là việc quán triệt anh em phải hiểu đúng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho các hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ chính sách ở địa bàn. Khi nắm rõ, các hội viên sẽ chuyển tải chính sách thành hiện thực.

Hội Cựu chiến binh chúng tôi cũng có những điểm không làm được. Để tháo gỡ, chúng tôi kết hợp với các đơn vị khác để thực hiện. Ví dụ, chúng tôi phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi Trường để thực hiện các hoạt động như tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Qua đây, giúp anh em nắm được những cái căn bản khi triển khai các mô hình phát triển kinh tế. Những vướng mắc cụ thể cũng được tháo gỡ, như thiếu lao động, nguồn lực tài chính. Đó là sự hỗ trợ về vốn từ chính các cựu chiến binh, vốn từ ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại mà Hội Cựu chiến binh đứng ra tín chấp.

Phóng viên: Hội vẫn còn hơn 1% hộ nghèo. Để phát huy kết quả đạt được, Hội sẽ làm gì để giúp các gia đình này nâng cao đời sống?

Ông Tiến: Hiện chúng tôi còn 34 hộ theo nhận định của chúng tôi là không thể thoát nghèo được, lý do vì vấn đề sức khỏe, bệnh tật... Xác định theo hướng đó, chúng tôi có chỉ đạp các cấp hội phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên để thực hiện công tác hỗ trợ từ quỹ phúc lợi xã hội. Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động các doanh nhân cựu chiến binh tham gia hỗ trợ, trợ cấp hàng tháng để đảm bảo những gia đình này có mức sống trung bình trở lên khi so với mức sống của người dân ở địa phương đó.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!