Đầu năm 1988, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta. Đầu tháng 3, số tàu hoạt động thường xuyên của Hải quân Trung Quốc tại Trường Sa tăng lên 9 - 12 tàu chiến. Trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế giữa các đảo của ta. Bộ Quốc phòng Việt Nam lập tức chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Công an) phân tích: Năm 1988, Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn hải quân đánh chiếm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có 2 đảo có vị trí đặc biệt quan trọng là đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma. Trên bàn cờ quân sự, 2 đảo này chốt chặn gần như 2 vị trí đồn biên phòng, từ đây hình thành căn cứ quân sự có khả năng khống chế toàn bộ lối vào biển đông. Trung Quốc chọn thời điểm đánh vào 14/3/1988, lúc đó bối cảnh VN cực kỳ khó khăn, thời điểm thấp nhất cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của nước ta.

Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Hải quân Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trong trận chiến ác liệt ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đại tá, Anh hùng LLVT Vũ Huy Lê, Nguyên thuyền trưởng tàu HQ 505 tại Gạc Ma cho biết: Khi Trung Quốc quay nòng súng xả súng bắn vào tàu HQ604, toàn bộ cái mảng bên phải của tàu bị trúng đạn rất nhiều. Tàu HQ 505 của mình nghĩ bằng mọi giá phải đi lên chỗ bãi cạn thì mới không chìm được, trên 50 cán bộ chiến sĩ mới không hy sinh. Thế nên quyết định sửa tàu rồi lao lên bãi cạn. Nhìn sang vị trí tàu HQ 604 bị chìm thấy anh em trôi dạt lênh láng trên biển, chúng tôi mới nghĩ ngay là phải tổ chức cứt vớt anh em. Những đồng chí bị thương cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu để bảo vệ đảo của chúng ta.

Mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch nhưng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 34 năm trôi qua, những hình ảnh, câu chuyện về sự kiện bi hùng đó vẫn in đậm trong tiềm thức của nhiều người Việt Nam, đặc biệt đối với những cựu binh từng trực tiếp tham chiến.

Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội tiến vào khu vực quần đảo Trường Sa của nước ta. Trước tình hình đó, ngày 4/3/1988, Hải quân ta xác định đảo Gạc Ma có vị trí chiến lược quan trọng, không thể để Trung Quốc chiếm giữ. Hải quân quyết tâm đưa bộ đội đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Cựu chiến binh Lê Minh Thoa là 1 trong 9 chiến sĩ Hải quân Việt Nam may mắn sống sót trong trận chiến Gạc Ma - Trường Sa (14/3/1988) nhớ lại: “Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm Trường Sa, đơn vị tôi được lệnh ra bảo vệ vùng biển Trường Sa. Đất nước lúc đó mới giải phóng nên khó khăn rất nhiều. Nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi sẵn sàng lên đường”.

Cựu binh Lê Minh Thoa quê ở Bình Định. Ông rời quê hương đi học sửa chữa máy móc tàu thủy năm 18 tuổi, rồi được nhận nhiệm vụ tại Trường Sa. Ngày 11/3/1988, ông Thoa nhận được lệnh tăng cường vận tải cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma - Trường Sa.

Ngày 12/3/1988, Tàu HQ 505 (Lữ đoàn 125) xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo của ta. Một ngày sau, tàu HQ 604 và tàu HQ 505 xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về Gạc Ma, Cô Lin. Sau khi hai tàu thả neo, tàu hộ vệ của Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma, áp sát tàu 604 của ta, dùng loa gọi sang khiêu khích, uy hiếp ta. Ông Thoa và các chiến sĩ động viên nhau quyết tâm giữ vững đảo và kiên trì neo giữ. Trung úy Nguyễn Sỹ Minh, Nguyên thuyền viên tàu HQ 604 nhớ lại: “Đúng ngày 12/3 chúng tôi được lệnh của trung đoàn 283 lên tàu HQ 604 để làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa, đến chiều 13 chúng tôi cập tại đảo Gạc Ma. 5h chiều, chúng tôi ở lại một đêm tại Gạc Ma, đến sáng ngày 14/3/1988 tôi được lệnh rời tàu để vận chuyển hàng vào đảo Gạc Ma. Chúng tôi đã vận chuyển được chuyến thứ nhất, chuyến thứ hai tàu Trung Quốc bao vây và bắn cháy tàu HQ 604”.

Không ép được bộ đội ra rút khỏi đảo, đúng 7 giờ 30 phút ngày 14/3, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ 604 của ta, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Các cán bộ, chiến sĩ đánh trả quyết liệt. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma.

Khi ấy tại đảo Cô Lin, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Phát hiện thấy bộ đội ta cơ động lên bãi, Trung Quốc quay sang tấn công tàu 505. Sau trận giao tranh ác liệt, cán bộ chiến sĩ của tàu HQ 505 đã bảo vệ thành công chủ quyền trên đảo Cô Lin. “Sau khi chúng tôi trôi từ buổi sáng đến tầm chiều, tàu HQ 505 bên đảo Cô Linh qua cứu chúng tôi về tại tàu HQ 505. Sau đó khoảng 8h tối chúng tôi được lệnh rút từ tàu HQ 505 về tá túc ở đảo Sinh Tồn, trong ngày 14/3 như vậy. Chúng tôi ở đảo Sinh Tồn được vài ngày, ở đất liền vận chuyển áo quần và thức ăn thức uống ra” - Trung úy Nguyễn Sỹ Minh kể lại.

Trong những ngày tháng 3 này, những người cựu binh Gạc Ma – Trường Sa thường tìm về bên nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm và tri ân tưởng nhớ đồng đội của mình. Dịch bệnh Covid-19 khiến những cựu binh khó có thể gặp mặt trực tiếp, nhưng họ vẫn luôn hướng về nhau theo những cách riêng. Ông Trần Thiện Phụng, Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma, Nguyên thuyền viên tàu HQ 604 vẫn không thể quên được hình ảnh đồng đội đã ngã xuống dù 34 năm là rất dài với một đời người: “Hiện tại chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm lại các đồng chí trong trận đánh Gạc Ma năm đó, động viên nhau về mặt tinh thần và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế” – ông Phụng chia sẻ.

Lịch sử đã sang trang, nhưng sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 và 64 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống sẽ mãi mãi bất từ trong lòng dân tộc và nhân dân. Những người con đất Việt luôn luôn ghi nhớ và tiếp nối truyền thống cha ông, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Người thân, đồng đội vẫn luôn khắc khoải nhớ các anh, thế hệ hôm nay luôn phấn đấu, luyện rèn, tiếp bước cha anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.