Sau đợt ném bom đêm 24/12/1972, Đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom 36 giờ để đón Giáng Sinh. Hà Nội vắng tiếng bom sau 7 ngày chiến đấu quyết liệt với pháo đài bay B52. Phố Khâm Thiên – nơi sinh sống của nhiều người dân theo đạo công giáo cũng nhộn nhịp trở lại.

Trong ký ức của những người dân Hà Nội, giáng sinh năm 1972, Hà Nội mang vẻ đẹp bình yên và trầm mặc. Nhưng vẻ đẹp ấy không kéo dài được bao lâu. Ngay sau Giáng sinh 1 ngày, Mỹ lại tiếp tục rải B52 xuống Hà Nội. "Trận tập kích này được coi là vụ thảm sát, 1 tội ác rất lớn của đế quốc Mỹ" - Giáo sư sử học Dương Trung Quốc cho biết.

Sau đợt ném bom kinh hoàng của Mỹ, phố Khâm Thiên rơi vào cảnh tan hoang. Toàn bộ 6 khối phố bị xóa sạch, gần 2 nghìn ngôi nhà bị đánh sập, 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Bom đạn đã cưới đi 283 sinh mạng, làm thương 266 người. Những ngày này bà Nguyễn Thị Mão lại ngồi khóc nhớ con – những nạn nân của vụ thảm sát năm 1972 ở Hà Nội. Bà kể: tranh thủ lúc Mỹ ngừng ném bom, vợ chồng người con cả đạp xe về nhà với lời hứa sẽ mang thịt, mang gạo về cho mẹ và các em. Nhưng lời hứa ấy mãi mãi không thực hiện được.

Trong đợt ném bom cao điểm của Đế quốc Mỹ năm 1972 người ta còn nhớ mãi hình ảnh 1 người mẹ tuy đã chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt và che chở cho con, còn đứa con vẫn cố bám chặt vào áo mẹ như thể hiện khát vọng được sống. Từ hình ảnh xúc động này, họa sỹ Nguyễn Tự đã cho ra đời một tác phẩm điêu khắc, lấy nguyên mẫu từ hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52.

Khâm Thiên ngày nay được người ta quen gọi là “phố vắng 3 số nhà” (số nhà 47, 49, 51 đã bị phá hủy hoàn toàn). Thành phố quyết định lấy mảnh đất nơi có 3 ngôi nhà này làm khu tưởng niệm Khâm Thiên. Hàng ngày, người dân của phường vẫn chăm sóc, quét dọn cho khu tưởng niệm sạch sẽ, vẫn thắp hương để tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống.

Một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Người người háo hức đón chờ đêm chúa ra đời. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội vẫn không thể quên thời khắc lịch sử - thời khắc của những đau thương mất mát để có hòa bình hôm nay.