Hàng chục năm trôi qua nhưng cựu chiến binh Lê Văn Bát ở Sóc Sơn, Hà Nội vẫn nhớ như in những ngày chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị bởi với ông, chiến trường này ngoài “máu” còn có “hoa hồng”.

“Chảo lửa” trong ký ức người lính cựu

Mùa hè năm 1972, Thành cổ Quảng Trị chẳng mấy khi im tiếng bom, tiếng súng. Trên diện tích 3km2 của Thành cổ, mặt đất chi chít hố pháo, hố bom, mìn lá, bom bi, ngổn ngang xác xe tăng, xe tải, binh khí... Trên trời, máy bay địch liên tục trinh sát, chốc chốc lại dội bom. Dưới đất, địch cũng thường xuyên nã pháo nhằm ngăn chặn lực lượng Quân giải phóng miền Nam từ phía bắc sông Thạch Hãn. Cả một vùng rộng lớn, cây cối bị cháy xơ xác do vũ khí và chất độc hóa học… Những hình ảnh khốc liệt ấy cứ thế hiện về trong ký ức của cựu chiến binh Lê Văn Bát khi ai đó nhắc đến chiến trường Thành cổ Quảng Trị - nơi ông đã để lại một phần cơ thể của mình. “Hồi đó Thành Cổ là một chảo lửa. Dòng sông Thạch Hãn nhiều khi tràn ngập xác lính, máu nhuốm đỏ dòng sông. Lính chúng tôi bơi qua bằng cái túi dùng để đựng gạo xanh xanh. Chúng tôi buộc túm vào, súng gác trên đó, đội mũ tai bèo. Khi bơi qua mà trúng đạn thì chết. Đạn pháo, hỏa lực, lựu đạn bắn dày đặc như mưa, hàng nghìn lính chúng tôi vẫn sang sông nhưng còn được vài chục đến vài trăm người”, ông Bát nhớ lại.

Ông Bát cho biết đến nay trong Thành Cổ vẫn còn lưu giữ một bài thơ do một người lính trong lúc xúc động đã viết:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi 20 hòa sóng nước

Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm

Câu thơ mộc mạc nhưng đã phần nào phác họa sự khốc liệt của cuộc chiến cũng như hy sinh, mất mát của những người lính chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972

Hoa hồng dưới hầm trú ẩn

Chiến trường Thành cổ Quảng Trị cũng là nơi mang lại cho ông Bát kỷ niệm ngọt ngào mà gần 50 năm qua chưa khi nào phai nhạt. Trong thời gian chiến đấu bảo vệ Thành cổ, ông nhờ hầm trú ẩn của một gia đình. Đó là căn hầm dưới lòng đất của cụ ông có tên gọi là Được, khi đó cụ chừng 60 tuổi. Vào một đêm, sau khi hết phiên gác, ông Bát quay về hầm nằm nghỉ cùng cụ Được như những ngày trước đó thì điều bất ngờ xảy đến. “Một gia đình không di tản kịp nên họ vẫn ở đó. Họ làm hầm trú ẩn dưới lòng đất. Tôi ở dưới hầm cụ nhà Được. Cụ phá nhà, phá kèo, hoành phi, câu đối để làm hầm. Dưới hầm có điện bằng ắc quy. Hôm đó, tôi đang ngủ với cụ, nửa đêm giật mình tỉnh dậy thì thấy có người nằm bên cạnh. Tôi sợ tôi quờ qua thì biết là một người phụ nữ. Sau đó cụ mới nói đó là con gái út của cụ, đang học lớp 12. Em đi học về khi tôi đã ngủ rồi nên tôi không biết”, ông Bát kể.

Con gái của cụ Được là Nguyễn Thị Như Hoa. Những ngày sau đó, giữa chàng trai trẻ Lê Văn Bát và cô nữ sinh Nguyễn Thị Như Hoa nảy sinh tình cảm rất đặc biệt. Đến giờ dù vẫn nhớ như in những lời nói, cử chỉ và tình cảm của người con gái xinh đẹp dành cho mình nhưng ông Bát vẫn không thể định nghĩa được đó là tình yêu hay tình bạn. “Chúng tôi rất thân thiết với nhau. Có những hôm, đêm sáng trăng, chúng tôi đi chơi dưới hào công sự, cô ấy nói nhiều chuyện lắm nhưng không bao giờ cô ấy nói từ yêu. Cô ấy có lần nói em rất thương anh, người lính phải xa nhà… Đến giờ tôi vẫn không biết đó là tình bạn, tình yêu hay tình quân dân. Với tôi, những hành động, câu nói của Hoa dành cho tôi chắc đến khi chết tôi mới quên được”, ông Bát bồi hồi nhớ lại.

Giữa lúc tình yêu như chớm nở thì ông Bát bị thương. Hình ảnh cuối cùng về người con gái đó là sự bịn rịn tiễn ông về điều trị ở hậu phương. “Khi tôi bị thương, đơn vị đưa tôi rời gia đình đi điều trị thì cô ấy khóc. Hoa bịn rịn đưa tôi ra tận đò ở bờ sông, còn có dúi cho tôi một bức thư. Thư viết ngắn, dưới dạng một bài thơ Anh Bát mãi nhớ thương/Xa nhau để mãi sống gần/Xa nhau anh chớ ngần ngại chi/Nhớ thương, em ở anh đi/Đến khi trở lại anh vô với em, anh nhé”, ông Bát kể.

Ngay sau khi đất nước hòa bình, ông Bát nhiều lần trở lại Quảng Trị, tìm đến gia đình cụ Được để xin được tri ân. Hơn thế, ông còn tha thiết được gặp lại người con gái tên Hoa với mong ước nên duyên vợ chồng. Nhưng suốt nhiều năm qua ông Bát vẫn chưa có cơ hội được gặp lại những người đã che chở, thương yêu mình giữa mưa bom, đạn lửa. Ông cũng không biết Nguyễn Thị Như Hoa có còn hay đã mất vì sau khi ông bị thương và được đưa đi điều trị, giặc vẫn tiếp tục đánh phá khu vực Thành cổ. “Tôi quay lại tìm nhiều lần. Hồi đó nếu gặp được Hoa, được Hoa thương yêu thương thì tôi sẽ cầu hôn”,, ông Bát chia sẻ. Những năm sau này, dù ông Bát lập gia đình nhưng có dịp trở lại chiến trường xưa, ông Bát vẫn dò tìm nhưng không vẫn không ai biết thông tin về người con gái đó.

Gần 50 năm đã qua, người lính trẻ Lê Văn Bát ngày nào đã là một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi. Thời gian làm cho con người ông già đi nhưng không thể làm mờ ký ức về những tháng ngày ông chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Bởi với ông, đây là nơi rất đặc biệt, ngoài bom đạn và máu còn có cả ân tình.