“Dòng sông chết" là cái tên mà người dân xã Bách Thuận thường gọi để chỉ khúc sông có độ dài gần 1km chảy qua địa bàn thôn Bách Tính. “Hàng chục năm người dân không nhìn thấy mặt nước, nước đen kịt, đặc quánh, không ai dám lội xuống” - Ông Phạm Hồng Quang rùng mình nhớ lại.

Tháng 9 năm ngoái, khi hội Cựu thanh niên xung phong xã đề xuất với chính quyền đứng ra nhận dọn sạch và làm đẹp cảnh quan môi trường lòng sông nhiều người cho rằng đây là công việc quá sức và không đem lại hiệu quả. Thế nhưng, với tinh thần 3 sẵn sàng, 5 xung phong của những chàng trai cô gái mở đường năm xưa, những cựu thanh niên xung phong giờ đã ở tuổi ông, tuổi bà đều sắp xếp thời gian, người tay cuốc, người tay xẻng miệt mài thu vớt rác. Bà Nguyễn Thị Nhài - hội viên cựu thanh niên xung phong xã Bách Thuận chia sẻ: "Dù vất vả như thế nào, anh chị em chúng tôi đều cố gắng để cho những dòng sông của quê hương mãi sáng, xanh, sạch đẹp"”

Sau 3 tháng trời ròng rã, miệt mài, những người lính cựu xã Bách Thuận đã vớt được hàng nghìn tấn bèo, mặt nước cũng được cải tạo để trở nên trong xanh hơn. “Dòng sông chết” ngày nào nay đã hồi sinh thành dòng sông với những bông hoa súng thơ mộng. Nói về việc chọn cây hoa súng để trồng, ông Nguyễn Như Hậu, Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong xã Bách Thuận lý giải: "Hoa súng có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, càng nước bẩn thì nó càng xanh tốt; thứ hai, dọc súng lọc được nước bẩn nên nước sẽ không có mùi hôi; thứ ba, hoa súng nở suốt 12 tháng, nên quanh năm lúc nào cũng có hoa".

Để những bông hoa súng luôn tươi đẹp, các hội viên cựu thanh niên xung phong phân công mỗi ngày 3 người thay nhau chăm sóc. Từ khi khúc sông được hồi sinh, người dân cũng dần quan tâm hơn đến công tác vệ sinh môi trường.

Mỗi ngày, được đi qua và ngắm nhìn khúc sông rực đỏ màu hoa súng, người dân địa phương lại thầm cảm ơn những người lính năm nào – những người đã góp phần làm cho thôn xóm ngày một thêm xanh, sạch, đẹp và văn minh./.