Đám cưới là chuyện không lạ, nhất là sau 2 năm ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thời điểm này lễ cưới của nhiều lứa đôi đang diễn ra với mật độ dày đặc. Nhưng đây lại là đám cưới của 2 chiến sĩ đã hy sinh cách nay vừa đúng 50 năm. Sau nửa thế kỷ, giờ đây thân nhân của 2 liệt sĩ quyết định tổ chức thành hôn cho họ.

Chú rể là liệt sĩ Đặng Văn Cự (sinh năm 1946) quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) và cô dâu là liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn (sinh năm 1947) quê ở Đô Lương (Nghệ An). Hai người công tác cùng một đơn vị ở tây Quảng Bình, cùng hy sinh ngày 29/12/1972. Thân nhân của 2 gia đình đã rất gian nan trên hành trình tìm lại mộ phần và rồi khi tìm được, qua những thư từ của 2 liệt sĩ, biết thời điểm trước lúc hy sinh họ đã chuẩn bị kết hôn. Nhưng ngày vui ấy đã không đến được.

50 năm sau, trong nghĩa trang ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), trước 2 nấm mồ liệt sĩ, 2 gia đình đã làm đủ nghi lễ của một đám cưới để tác thành cho 2 linh hồn.

Cũng gần 10 năm trước, khi lên Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) để viết về những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi đã về nhà của nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Chị Chiêm là mậu dịch viên của cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn, lên thăm người yêu Bùi Văn Lượng. Anh Lượng khi ấy đang là hạ sĩ quan công an vũ trang của đồn biên phòng Pò Hèn. Sáng 17/2/1979, khi quân Trung Quốc bất ngờ tiến đánh đồn, chị Chiêm đã sát cánh bên người yêu của mình ôm súng chiến đấu và cả 2 anh chị hy sinh cùng anh em chiến sĩ đồn Pò Hèn.

Năm 2013, cựu binh Hoàng Như Lý, người bạn thân của chị Chiêm và anh Lượng, đã đưa chúng tôi về tận gia đình chị Chiêm và đưa ra thắp nhang trên mộ phần chị. Anh Lý bảo rằng ước gì có thể làm được lễ cưới cho 2 người bạn chiến đấu của mình.

Vậy rồi 5 năm trước, tháng 8/2017, lễ cưới của 2 liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Văn Lượng đã diễn ra do anh Lý làm chủ hôn. Đoàn nhà trai đưa di ảnh anh Lượng từ Hạ Long ra Bình Ngọc (Móng Cái) để rước dâu ở ngôi nhà tình nghĩa được địa phương xây dựng để thờ nữ anh hùng liệt sĩ. Rồi sau đó di ảnh của chị Chiêm được gia đình rước về nhà chồng.

Câu chuyện về đám cưới của 2 cặp đôi liệt sĩ có lẽ là những câu chuyện hiếm hoi, nhưng thông điệp cho cuộc sống từ câu chuyện này lại có sức lan tỏa mãnh liệt. Hạnh phúc lứa đôi, dựng vợ gả chồng là chuyện đương nhiên của đời sống thường nhật nhưng ngay cả khi hy sinh rồi, khi thân xác đã thành cát bụi đáp đền sông núi thì tình yêu của họ vẫn tiếp tục được người ở lại nâng niu tiếp nối.

Câu chuyện về những đám cưới của những cặp đôi anh linh liệt sĩ như chị Chiêm - anh Lượng, như chị Diễn - anh Cự chắc chắn sẽ khiến người còn sống hôm nay cảm nhận được giá trị của hòa bình, của hạnh phúc lứa đôi, của mái ấm gia đình và trên tất cả là tình yêu vĩnh cửu./.

Theo Tuổi trẻ