Cách trung tâm TP Hà Nội hơn chục cây số, Làng Hữu nghị Việt Nam, thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam gần 25 năm qua luôn miệt mài gieo chữ, dạy nghề cho các em là con, cháu CCB bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những đứa trẻ nơi đây như những vầng trăng khuyết nhưng luôn khát khao vươn lên hòa nhập cộng đồng.

“Một nụ cười bé, cha vui cả ngày/Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm/Thầm cầu mong cho, con sẽ nên người/Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương…”. Tiếng hát của các em là nạn nhân chất độc da cam vang lên từ lớp Kỹ năng 1 của Làng Hữu nghị Việt Nam làm tôi thấy nhói trong tim. Bởi, bài hát thì tròn trịa, mà giọng hát của các em lại méo mó. Nhưng, được như vậy đã là sự cố gắng không mệt mỏi của cả cô lẫn trò qua bao năm tháng gian truân.

Tiếng hát kéo tôi đi về phía lớp ở cuối hành lang tầng 2. Nói về lớp của mình, cô Phạm Thị Phương Thảo trầm buồn: “Lớp có 8 em, đều là con, cháu của cựu chiến binh (CCB) - những nạn nhân chất độc da cam/dioxin nặng nhất trung tâm. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, hầu hết đều mắc nhiều bệnh tật và khả năng nhận thức cũng khác nhau nên mỗi học sinh có một giáo án. 8 em là 8 hoàn cảnh, 8 thân phận, là 8 nỗi đau da cam. Những mảnh đời hết sức đáng thương…!”.

Những ngày ở làng, tôi được quan sát các em một cách tường tận. Em thì khuyết tật vận động, chậm phát triển trí não; em thì khiếm khuyết thị giác; rồi hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý, động kinh... Trong giờ học, các em hay la hét, đi lại tự do; thấy có người lạ đến gần là khóc thét lên. Mắt ngấn lệ, cô Thảo bùi ngùi: “Lớp của tôi thương lắm!”.

Rồi, hướng về một trò có thân hình bé nhỏ, gầy yếu, cô Thảo kể: Như em Nguyễn Thị Phương Lan, nhà ở Tuyên Quang, gia đình rất khó khăn. Ông, bà của em đều bị nhiễm chất độc da cam. Bố Lan cũng chậm phát triển trí não. Nhiều lần đang ngồi học, em lên cơn động kinh bất ngờ, ngã lăn ra lớp, đầu đập xuống sàn nhà. Các cô thường cho em ngồi giữa hai bạn để nếu có ngã thì ngã vào người các bạn. Còn khi cô bận việc, không chú ý được thì phải cho Lan ngồi dưới sàn. Nhìn em như thế, ai cũng xót xa.

Dù bước sang tuổi 23, nhưng khuôn mặt em Vũ Thị Ngọc, quê ở Nghệ An vẫn ngây ngô, đôi mắt ngờ nghệch, nhận thức không hơn đứa trẻ lên ba. Thật tội nghiệp! Em là con út trong gia đình có 4 anh chị em, bố là CCB bị nhiễm chất độc da cam. Do mắt kém, nên mỗi lần tô màu em luôn phải cúi sát mặt bàn. Đôi mắt đó ám ảnh tôi mãi…

Trở lại chân cầu thang, rẽ phải là lớp Giáo dục đặc biệt 3 của cô Nguyễn Thị Thu Huyền. Tôi vào lớp khi cô Huyền đang tỉ mỉ, nắn cho các em từng nét chữ. Xen lẫn những lời dỗ dành của cô là tiếng khóc, tiếng la hét và cả tiếng em nào đó hát, tạo nên thứ âm thanh mà chỉ ở những lớp học đặc biệt này mới có.

Có lẽ, chính cô Huyền cũng là người khuyết tật nên cô thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những học trò “đặc biệt” của mình. Sau lần ngã năm lên hai tuổi, cô bị liệt bên chân và tay phải. Những tưởng, cuộc đời sẽ quanh quẩn trong bốn bức tường, nhưng được sự động viên của gia đình, cô đã cố gắng học hành với mong ước duy nhất là không làm gánh nặng cho mọi người. Cô gái khuyết tật ấy đã thi đỗ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ra trường, cô về làng công tác.

Là lớp giáo dục đặc biệt nên chương trình dạy học ở đây cũng thật “đặc biệt”, chẳng giống nơi nào. Cô Huyền tâm sự: “Không giống như dạy học bình thường, 6 tuổi là vào lớp 1, rồi học lên từng năm theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên ở đây phải linh hoạt, hiểu bệnh tật, tính cách, khả năng, sở thích… của từng em để có bài giảng phù hợp”.

Các cô giáo căn cứ chương trình giáo dục chung, từ đó xây dựng giáo án riêng cho lớp mình. Tuy ngồi chung một lớp, nhưng mỗi em lại học một chương trình riêng. Có em đang học cộng trừ, ghép vần; có em tập tô nét thẳng, nét xiên, học số, chữ cái; nhưng có em lại bắt đầu tập tô màu… Thế mới biết, dạy một đứa trẻ bình thường đã không đơn giản, dạy trẻ có cơ thể khiếm khuyết, chậm phát triển trí tuệ… thì khó khăn còn gấp bội. Một tiết dạy phát âm, các cô giáo ở làng có thể dạy cả buổi, một chữ cái có thể phải đọc đi đọc lại cả tháng…

Cô Huyền kể về em Đăng Khôi, 13 tuổi, đang học Toán của chương trình lớp 2 (cộng trừ có nhớ), nhưng tiếng Việt mới học chương trình lớp 1 (ghép vần, học câu ngắn). Hay em Duyên, cũng 13 tuổi, do tay em run không cầm được bút, các cô dạy kỹ năng cầm bút, rồi cách tô, vẽ, nối các nét, học số, chữ cái. Đến nay, em mới nhận biết đến số 3…

Đồng chí Phạm Văn Khái, Phó Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam cho biết: “Ở đây, cô giáo không chỉ có nhiệm vụ dạy chữ cho các em mà một cô giáo còn kiêm nhiều nhiệm vụ. Các cô phải quán xuyến, kiểm soát được tất cả các em trong lớp. Dù làm việc gì cũng luôn để mắt đến các em, xem các em đang ở đâu, làm gì, thái độ ra sao? Có thể đang ngồi học đấy nhưng lăn đùng, giãy giụa hay chạy đi bới thùng rác, đôi khi còn đi vệ sinh ra lớp… Vì thế, việc dạy chữ đã khó khăn, cô giáo còn là bảo mẫu, là “y tá”. Phải luôn tai thính, mắt tinh phát hiện tâm lý, hành vi của trò để có cách xử lý kịp thời”.

Được thấy tận nơi công việc dạy học ở các lớp học đặc biệt nơi đây, tôi cảm nhận rõ, để dạy bảo được những trò “đặc biệt” này, các cô giáo không chỉ cần những kỹ năng của giáo dục đặc biệt, mà quan trọng hơn là phải có tình yêu thương, sự sẻ chia; đức tính kiên trì, nhẫn nại… luôn xem mỗi học trò là con, em của chính mình!

Là người thường xuyên đến Làng Hữu nghị Việt Nam, tận mắt chứng kiến công việc của cán bộ, nhân viên mà đặc biệt là những người chăm sóc, dạy dỗ các cháu là nạn nhân chất độc da cam, đồng chí Phạm Hồng Hương, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam vô cùng cảm phục và đánh giá cao sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, nhân viên của làng.

“Họ là những con người trong số những con người đặc biệt, luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức và vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Trong mỗi việc làm, hành động, trong họ luôn toát lên tình yêu thương bao la, sự sẻ chia, đức tính kiên trì, nhẫn nại”, đồng chí Phạm Hồng Hương nhấn mạnh.

Cùng với các lớp giáo dục đặc biệt, ở Làng Hữu nghị Việt Nam còn có lớp dành cho các em tiến bộ hơn hoặc bệnh nhẹ hơn. Đó là những lớp rèn kỹ năng và học nghề, nơi giúp các em thực hiện khát vọng tự lo cho mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

(Theo qdnd.vn)