Trong khoảng 15 năm qua, người đàn ông một thời mặc áo lính này, không chỉ không ngừng dạy nghề miễn phí, mà còn lo nơi ăn, chốn ở cho hơn 500 thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, thậm chí là có quá khứ bất hảo, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những việc làm thầm lặng ấy của ông, xuất phát từ tấm lòng chân thành của người lính, đã mang lại thật nhiều ý nghĩa, ấm áp tình đời, tình người, cũng như giúp sưởi ấm cho biết bào mảnh đời khốn khó.
Cựu chiến binh Trần Nhật Ninh, sinh năm 1958, nhập ngũ năm 1978, rồi được chọn đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 5 để tăng cường ra biên giới phía Bắc.
Sau khi đất nước bình yên, ông chuyển ngành làm cán bộ phòng thuế, rồi chuyển sang ngành lâm nghiệp với công việc quản lý đội xe cơ giới.
Cũng từ đây ông tìm thấy sự yêu thích trong công việc sửa chữa máy móc, nên năm 1996 ông nghỉ công việc Nhà nước, về mở xưởng sửa chữa ô tô.
Ông Ninh cho biết, cơ duyên dạy nghề cho trẻ em nghèo, lang thang đến với ông cách đây khoảng 15 năm, khi Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Sơn, nơi nhận nuôi dưỡng trẻ lang thang, cơ nhỡ, liên hệ tới cơ sở nhờ ông đào tạo nghề cho các cháu.
Khi nhìn thấy những đứa trẻ thiếu tình thương gia đình, không ngần ngại ông đã gật đầu đồng ý. Và cũng từ đó, cơ sở của ông đã trở thành ngôi nhà của biết bao đứa trẻ nghèo, mồ côi. Khi mà ở đây các em được học nghề miễn phí, được trau dồi đạo đức, kiến thức để trở thành những con người có ích.
Chứng kiến tấm lòng và sự “mát tay”của ông trong việc giáo dục trẻ, Uỷ ban Mặt trận phường và nhiều gia đình đã tìm đến nhờ anh kèm cặp thêm những thanh, thiếu niên chưa ngoan, trong đó có nhiều em từng sử dụng ma tuý. Rồi tiếng lành đồn xa, không chỉ gia đình các thanh thiếu niên hư trên địa bàn quận Liên Chiểu, huyện Hoà Vang, Thành phố Đà Nẵng, mà còn có những gia đình ở nhiều tỉnh thành khác cũng đã tìm đến ông để gửi gắm con em họ.
Cựu chiến binh Trần Nhật Ninh chia sẻ: "Ở đây có rất nhiều các em, vì hầu như ở mọi miền đất nước, đặc biệt là miền Bắc người ta hay gửi vào trong này. Mấy trăm em, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Trong quá trình học và ở đây, không chỉ dạy nghề mà dạy cả về nhân cách làm người.
Đối với tôi, làm thì ra làm, và đã làm người thầy thì mình phải là tấm gương trước.
Ví dụ như bây giờ bản thân là mình không uống rượu, không hút thuốc, không bài bạc, không bê tha, thì đó là tấm gương sáng nhất để các em noi theo. Mình không thể làm điều gì đó không tốt mà mình lại buộc các em phải làm tốt, thì như vậy là không được.
Chỉ có một cái là mình phải sống chân thật. Và cũng nhờ môi trường quân đội trước đây mình đã sống, đã rèn luyện mình thành một con người giản dị, gần gũi, có tình yêu thương, mà đến bây giờ cái chất ở đó, mình không bao giờ để cho nó mất đi. Và ở đây, đa số các em học xong 2-3 năm là tự ra đời và có thể làm việc tốt.
Hàng tháng các em luôn gửi quà về, rồi điện thoại về, rồi cha mẹ cũng cảm ơn, thì đó là điều rất hạnh phúc trong cuộc sống của mình, khi mình đã làm được việc giúp ích cho đời".
Ông Ninh tâm sự, do bản thân mình cũng từng chịu cực khổ, khi mà một bộ đồ đẹp cũng không có để mà mặc, thế nên khi có được một cuộc sống đầy đủ hơn, thấy những cảnh đời khó khăn ông không cầm lòng được. Ông nhận giúp cũng là mong muốn cuộc sống trong tương lai của các em không còn vất vả, khó khăn.
Thêm nữa, ông sống chân tình, luôn coi những đứa trẻ hư, lạc đường ấy như con cháu của mình, đối xử với chúng bằng sự thương yêu, bao dung, để chúng cảm nhận tình cảm của mình mà từ đó sẽ biết nỗ lực vươn lên:
"Động lực để mà làm thì nó xuất phát từ bản thân mình. Nghĩ đến bản thân mình ngày trước nghèo khổ, mình mơ ước có một cuộc sống tốt đẹp, mơ ước có một cái nghề gì đó để làm nuôi sống bản thân. Thì may mắn mình đã vượt qua, mình đã thành công, thì từ đó, mình suy nghĩ đến các em mà hiện nay hư hỏng, nó sẽ không phải là khó. Vì nếu mình nắm bắt được tâm lý như vậy thì rất dễ là giáo dục các em.
Nếu các em sai phạm một tí, đưa vào các trại cải tạo, thì tuổi mới lớn, các em có thể sẽ bất mãn, rồi các em sẽ có những cái tự ti, những cái suy nghĩ lệch lạc. Hơn nữa, vào trong đó các em cũng sẽ tiếp xúc với những bạn hư hỏng nhiều.
Còn với mình đây, vào trong môi trường này chỉ có ăn ở và làm việc, thì các em đã thay đổi rất là nhanh, nên không có gì là khó đối vỡi việc giáo dục các em cả. Và khi vào đây, các em có thể thấy nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn, tương lại nó rộng mở, nên các em đã thay đổi hoàn toàn. Đa số vào đây là trên 80% các em đã thành công".
Bằng những việc làm đầy tính nhân văn cao cả, người cựu chiến binh Trần Nhật Ninh đã viết lên một câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đời
Cứ thế, trong suốt 15 năm qua, cựu chiến binh Trần Nhật Ninh đã dạy nghề miễn phí, lo nơi ăn, chốn ở cho khoảng 500 trăm học viên có hoàn cảnh mồ côi, khó khăn, thanh thiếu niên hư hỏng thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Ông tự nhận, gia đình ông thì cũng chưa phải thuộc diện “đại gia”, nhưng anh luôn coi trọng việc làm tình nghĩa.
Bằng việc mỗi khi quê hương có chuyện rủi ro, có người khốn khó là vợ chồng ông sẽ lại đến thăm hỏi, giúp đỡ, đúng nghĩa “lá lành đùm lá rách”. Tính từ năm 2008 đến nay, vợ chồng ông cũng đã trích gần 900 triệu đồng trao quà tặng người già, hộ nghèo, ủng hộ các hội đoàn thể ở địa phương.
Thiết nghĩ, trên dải đất hình chữ S này, nếu như luôn có thật nhiều người sẵn sàng dang rộng vòng tay, giúp những thanh thiếu niên chậm tiến, hay từng lầm đường lạc lối, có thể sống tích cực hơn, những người từng vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển của xã hội như ông Ninh, thì cuộc đời này thật ý nghĩa và trở nên tươi đẹp biết bao.
(Theo vovgiaothong.vn)