Nép mình bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, làng rèn Đa Sỹ thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng có lịch sử trăm năm. Và trong số những gia đình thuần nông của làng nghề rèn truyền thống đó có gia đình ông Đinh Công Đoán.

Tuổi trẻ theo tiếng gọi của đất nước, chàng thanh niên Đinh Công Đoán nhập ngũ năm 1971 và 1 năm sau, ông được cử vào chiến đấu ở Quảng Trị- nơi được coi là chiến tuyến ác liệt nhất những năm tháng chống Mĩ. Sau nhiều năm rong ruổi khắp các chiến trường khói lửa nhất, năm 1976, CCB Đinh Công Đoán bị thương ở cánh tay được trở về địa phương với tấm thẻ thương binh hạng 4/4.

Là người con của làng nghề nên khi trở về CCB Đinh Công Đoán nhận thấy không thể vực dậy kinh tế gia đình nếu chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Gom số tiền ít ỏi của gia đình, người lính Đinh Công Đoán nhanh chóng bắt tay vào làm nghề rèn. Kể về những năm tháng trong quân ngũ, ông Đoán luôn khẳng định, bản chất không ngại khó, sợ khổ của người lính cụ Hồ đã giúp ông quyết định theo học nghề làm thợ rèn từ những người thợ làm nghề nổi tiếng trong làng. “Tôi có gần 10 năm ở chiến trường nên gần 30 tuổi mới lập gia đình... Trời phú cho năng khiếu nên tôi không học nghề dài hạn mà tham gia ngoài xưởng nông nghiệp. Áp dụng những gì học trong quân đội như sức bền vật liệu, độ bền sắt thép pha trộn ra sao mà mình đưa vào sản phẩm tạo nét độc đáo của cá nhân”- CCB Đinh Công Đoán bày tỏ:

Những năm đầu, sản phẩm dao, kéo chưa thu hút được khách hàng nên đời sống gia đình cựu chiến binh Đinh Công Đoán gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự thông minh, tháo vát cùng với kỹ thuật pha chế độc đáo, các sản phẩm dao kéo của ông rất bền, tốt được người tiêu dùng ưa chuộng. Để có được sản phẩm chất lượng tốt đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người làm nghề. Đầu tiên, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò hơn 1.000 độ C. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày, mỏng mà thời gian nung sẽ khác nhau. “Dao của tôi đề tên trên sản phẩm là Đoán Đoán, dao bổ thép tôi ghi rõ là dao bổ thép, không làm dao tôn. Tất cả các sản phẩm đều đăng kí chất lượng cao ISO 9001 từ 2001. Dao của tôi dùng thép bao giờ cũng cao hơn các nhà khác làm..”, CCB Đinh Công Đoán chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Đoán Đoán của CCB Đinh Công Đoán đã có chỗ đứng trên thị trường đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, có tư duy nhạy bén, biết phát huy khả năng của mình, có quyết tâm mạnh dạn đầu tư đúng thời điểm, luôn coi trọng chữ “tín” nên cơ sở sản xuất dao kéo của CCB Đinh Công Đoán ngày càng làm ăn phát đạt. Theo ông Lê Ngọc Lưu, CT Hội CCB phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội, không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, CCB Đinh Công Đoán còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng chí đồng đội, bà con có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”:

Không chỉ phát đạt trong nghề làm dao, kéo, cựu chiến binh Đinh Công Đoán còn là người đầy nhiệt huyết với nghề truyền thống của cha ông. Quá trình đô thị hóa cùng với gia tăng dân số nhanh chóng đã khiến cho nhiều gia đình trong làng bỏ nghề rèn chuyển sang buôn bán vặt. Vì thế ông bỏ thời gian, công sức đi vận động người dân đồng thời xin cấp phép thành lập Hiệp hội làng nghề rèn Đa Sĩ để nghề không bị mai một. Tuy nhiên, trước thực tế của làng nghề, người lính cựu năm xưa vẫn cánh cánh khi áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào thay thế con người thì năng suất tăng gấp 6 lần so nhưng ngược lại ảnh hưởng rất lớn về tiếng ồn, khói độc hại gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Hiệp hội làng nghề rèn rất mong muốn phát triển làng nghề tại một địa điểm rộng rãi, xa khu dân cư.

Năng động, nhạy bén, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, CCB Đinh Công Đoán từ một gia đình nghèo đã vươn lên trở thành một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Nhiều năm liền, ông được các cấp, các ngành khen thưởng vì có nhiều thành tích trong lao động sản xuất và các hoạt động xã hội.

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết: