Xây dựng cột mốc chủ quyền để tìm đồng đội

Đã nhiều năm nay, người dân Đà Nẵng quá quen thuộc với hình ảnh cột mốc Trường Sa Đông được đặt trang trọng trong khuôn viên của cơ sở điêu khắc đá Xuất Ánh, hướng ra biển Đông, ngay trên tuyến đường Trường Sa. Chủ nhân của cột mốc Trường Sơn Đông là cựu chiến binh Trần Văn Xuất (sinh năm 1965, trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) - Trưởng Ban liên lạc đảo Trường Sa Đông qua các thời kỳ.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Hải, nay là phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), năm 19 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Xuất lên đường nhập ngũ, đóng quân trên đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đầu năm 1987, ông xuất ngũ về lại địa phương. Lập gia đình, ông cùng vợ gây dựng và phát triển cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ - nghề truyền thống của quê hương ông. Khi công việc làm ăn khấm khá, ông Xuất muốn đi tìm lại đồng đội - những người đã cùng ông sát cánh bảo vệ Trường Sa Đông.

"Hồi đó, trên đảo có 31 người bao gồm cả tôi. Dù ở trên đảo chỉ 32 tháng nhưng với tôi đó là những tháng ngày đáng nhớ nhất cuộc đời và tôi luôn tự hào là người lính Trường Sa", ông Xuất chia sẻ.

Năm 2005, ông Xuất bắt đầu đi tìm đồng đội. Đó là những ngày tháng ông Xuất lặn lội một mình đi khắp mọi miền đất nước. Có người ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình, có người ở tận Thái Bình. Có những lần ông Xuất suýt chết vì gặp nạn trên đường.

Mỗi lần muốn đi là ông Xuất cãi lộn với vợ để có cớ bỏ nhà, xách ba lô lên đường. Thấy ông đi miết, vợ ông bực bội, dọa... ly dị.

Sau 3 năm vất vả ngược xuôi, ông Xuất cũng tìm được 25 đội đồng, còn 5 người nữa vẫn chưa tìm được. Đó là điều khiến ông Xuất đau đáu chưa yên.

"Đà Nẵng là thành phố đẹp, có ngày bạn tôi sẽ đến thăm, nhiều người sẽ đến thăm thành phố này. Nếu tôi xây dựng cột mốc Trường Sa Đông, họ sẽ biết nơi đây có một người lính Trường Sa", ông Xuất chia sẻ lý do năm 2008 ông quyết định xây dựng cột mốc Trường Sa Đông.

Hai bên cột mốc, ông Xuất còn trồng 2 cây bàng vuông được người bạn mang từ đảo về tặng. Ngày khánh thành công trình, ông tổ chức hội ngộ cùng các đồng đội để ôn lại những kỷ niệm xưa và lên kế hoạch tìm kiếm những đội đồng còn lại.

Năm 2010, có một đoàn khách của tỉnh Bình Định đến Đà Nẵng tham quan. Khi nhìn thấy cột mốc Trường Sa Đông, một người đàn ông trong đoàn vào lân la hỏi chuyện. Ông này kể cũng từng đi lính ở đảo Trường Sa Lớn. Qua câu chuyện, ông Xuất tìm thêm được 2 đồng đội của mình ở thành phố Quy Nhơn.

Có lần, ông lặn lội tìm được đến nhà của một đồng đội ở Khánh Hòa nhưng đứng chết lặng trước di ảnh của bạn mới qua đời vì bệnh nặng. Đến nay, ông Xuất cũng đã tìm được tất cả những đồng đội của mình.

Không chỉ xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sơn Đông, ông Xuất còn có một phòng lưu giữ những kỷ vật ở Trường Sa Đông. Đó là những cái túi, những con dao, cái nồi và những con ốc ở trên đảo.

Nghĩa tình người lính đảo

Tìm được đồng đội, ông Xuất thấy đồng đội của mình nhiều người còn khó khăn, vất vả nên ông tìm cách giúp đỡ. Người được ông hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, người được ông hỗ trợ vay vốn làm ăn. Có người sau khi làm ăn khá giả đã tìm cách gửi lại ông số tiền nhận hỗ trợ nhưng ông Xuất không nhận.

Ông Xuất còn thành lập Ban liên lạc các Chi hội cựu chiến binh Trường Sa Đông tại các tỉnh để thuận tiện trong liên lạc và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

"Nghe đồng đội đau ốm là chúng tôi đến thăm, động viên, tiếp cho thêm sức mạnh cho bạn mình", ông Xuất nói.

Những năm đầu, thấy ông cứ đi miết, công việc làm ăn để một mình vợ gánh vác nên vợ ông rất buồn. Tuy nhiên, sau khi thấy ông xây dựng cột mốc Trường Sa Đông, hiểu được tấm lòng của chồng mình đối với đồng đội, bà rất ủng hộ.

Xa đảo mấy chục năm, ông Xuất luôn ao ước có một lần trở lại nơi xưa. Năm 2014, bức thư bày tỏ mong muốn của ông đã được Phó Tư lệnh Hải Quân đồng ý.

"Tháng 4/2014, tôi được lên tàu ra Trường Sa. Cảm giác lúc đó thật là rất vinh dự và vui sướng. Với tôi, như vậy đã mãn nguyện rồi", ông Xuất chia sẻ./.

(Theo Dân trí)