Hết lòng với sử quê hương

Nằm bên kia bờ kênh của phường Hòa Thuận (TP.Cao Lãnh - Đồng Tháp) nhưng tổ ấm của ông Nguyễn Đắc Hiền, tên thường gọi là Mười Long, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho cánh báo chí quan tâm đến sử đất Đồng Tháp.

Còn nhớ trước ngày kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tôi điện thoại hỏi thăm ông về người chèo ghe đưa Bác Tôn đi công tác các tỉnh miền Tây vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông dành cả buổi sáng để trò chuyện... Như những lần trước đó, ông đưa tôi vào thế giới của sử. Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, ông vào tủ sách lấy ra quyển Đất và người Đồng Tháp để khoe chuyện làm tượng đồng cho người anh hùng lực lượng vũ trang duy nhất của tỉnh Đồng Tháp trong thời kỳ chống Pháp. Đó là trung tá Võ Văn Mừng, sinh năm 1930, làng Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh), được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1956.

Sưởi ấm tiền nhân

Là thương binh 1/4, ông gửi lại chiến trường chống Mỹ một phần cơ thể nhiều thương tật khác, đi lại khó khăn. Ấy vậy mà hễ có thông tin về mộ tiền nhân xuống cấp, hoang lạnh, ông lại lặn lội tìm đến tận nơi. Không chỉ ghi nhận thực tế, ông còn dành tâm, sức cho “việc nghĩa”, đưa nhiều ngôi mộ đến cơ ngơi mới, khang trang, xứng đáng với tầm vóc lịch sử... Mộ Tiền hiền Nguyễn Tú - người có công khai khẩn vùng đất TP.Cao Lãnh ngày nay là điển hình.

Sau hơn 10 năm kiên trì, cuối cùng ông đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp dành vị trí đất đẹp tại phường Mỹ Phú (TP.Cao Lãnh), đối diện Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp để xây dựng cơ ngơi xứng đáng với tầm vóc người khai mở vùng đất và phát huy giá trị giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trước đó, với tinh thần trách nhiệm, ông cũng đã di chuyển và sửa sang mộ cụ Phan Văn Cử (1881-1917) - nhà ái quốc, người có công lớn trong phong trào Đông Du từ vị trí giữa chợ Cao Lãnh vào trong khuôn viên di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh), người bạn lúc sinh thời của ông Cử. Rồi ông cũng đưa mộ ông Phòng Biểu (1830-1914) - cận tướng của Thiên Hộ Dương (chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tây vùng Đồng Tháp Mười) bị thời gian tàn phá ở Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) vào an vị trong khu vực Đình Bình Hàng Trung, xứng đáng với công lao đã cống hiến cho quê hương, đất nước...

Đặt nền móng cho mai sau

Không chỉ dấn thân và tự nguyện gánh vác đến cuối đời, ông Hiền còn thận trọng đặt nền móng “lịch sử quê hương” cho thế hệ mai sau... Trong đó, nhiều việc ông như người tiên phong. Đơn cử như năm 1986, khi giữ vai trò lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông đã táo bạo thành lập bộ phận nghiên cứu lịch sử dân tộc. Sự xé rào này không chỉ tạo nền cho những cây bút có tên tuổi trên diễn đàn khoa học lịch sử sau này như: Nguyễn Hữu Hiếu, Lê Kim Hoàng, Ngô Bé... mà còn là nền tảng để hoàn thành tác phẩm công phu đầu tiên tại Đồng Tháp về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (1990): Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Trong vai trò Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp trong 2 nhiệm kỳ (2000 - 2010), ông Nguyễn Đắc Hiền đã hình thành và cho ra đời nhiều ấn phẩm giá trị như: Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay; Đất và người Đồng Tháp; Đồng Tháp nhân vật chí... Bản thân ông cũng cho ra đời hàng chục tác phẩm riêng, như: Bẻ gãy một ý đồ... Đặc biệt là tác phẩm: “Sóng dậy đồng nước” viết về chiến công Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (tháng 9.1959) không chỉ thể hiện tấm lòng của người viết với quê hương mà qua đó còn gióng lên tiếng nói cho các nhà hữu trách “vẽ lại” bản đồ Đồng khởi của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhận xét về ông: Cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã gửi lại chiến trường một phần thân thể, rồi đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của Đảng bộ, nay đã nghỉ hưu nhưng đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm làm việc, nghiên cứu, biên soạn, viết bài, góp ý… với nhiều tác phẩm có giá trị.

Nguồn: laodong.vn