Vợ chồng ông Lê Công Hiếu ở thôn An Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) là một trong những người được hưởng chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam ngay trong giai đoạn đầu. Trong kháng chiến, ông bà từng là những người lính quả cảm, mọi khó khăn, gian khổ đều vượt qua, vậy mà giờ đây đành bất lực nhìn hai người con trai Lê Hoài Hiệp và Lê Thành Hưng sống trong cảnh ngây ngô, khờ dại, bệnh tật dày vò. Năm 2012, anh Hiệp qua đời sau những cơn động kinh triền miên. Ông bà chỉ biết cố gắng lao động để người con còn lại có được cuộc sống tốt hơn, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn luôn vây bủa gia đình. Nỗi cực khổ đeo bám gia đình cho đến khi Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho ông Hiếu và con trai, đồng thời hỗ trợ bò để vợ chồng ông chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Khó khăn, thiếu thốn dần vơi đi. Ông Hiếu chia sẻ: “Cuộc đời của những người cha, người mẹ phải chăm sóc cho những đứa con ngây dại là nỗi đau không bao giờ có thể xóa hết. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước mà cuộc sống của những gia đình như chúng tôi đỡ vất vả và có thêm điều kiện để chăm lo cho con tốt hơn”.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Ngọc Chu và bà Tạ Thị Kim Quyên ở tổ 5, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn ở góc đường là nơi ở của 2 vợ chồng đã qua tuổi bát tuần cùng người con trai năm nay đã 44 tuổi nhưng do ảnh hưởng của chất độc da cam nên trí nhớ anh không được minh mẫn. Ông Hồ Ngọc Chu nhớ lại, năm 2000, ông là người đầu tiên trong gia đình làm hồ sơ để hưởng chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, “Lúc đó chỉ nghĩ là mình đủ điều kiện để hưởng chế độ, bản thân lại hay đau ốm vì thế có thêm chút tiền cũng là nguồn tài chính quý báu để thêm đồng thuốc men, cơm gạo”, ông Chu bảo. Nhưng cũng trong khoảng thời gian đó, người con trai út Hồ Ngọc Tín đang ở độ tuổi 20 của vợ chồng ông cũng bắt đầu phát bệnh bởi di chứng từ chất độc da cam, từ một chàng trai khỏe mạnh đang theo học một trường trung cấp, sức khỏe anh Tín dần giảm sút, trí nhớ cũng trở nên hạn chế, cuộc sống phải phụ thuộc vào ông Chu và bà Quyên.

Đến nay, mỗi tháng, số tiền trợ cấp của ông và con trai được gần 4 triệu đồng. Do ảnh hưởng của chất độc da cam, cả gia đình đều mắc nhiều loại bệnh, sức khỏe thất thường mỗi khi trái gió trở trời, vì vậy số tiền ấy ngoài trang trải sinh hoạt còn giúp ông bà và anh Tín thêm chút thuốc men chữa bệnh.

Sau 21 năm giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam, trong tổng số hơn 23.000 nạn nhân chất độc da cam trên toàn tỉnh đã có gần 4.570 người được hưởng chính sách, 7.427 người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Cùng với việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong chăm sóc, hỗ trợ họ cũng được tỉnh sớm thực hiện. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã, đến nay có tổng số hơn 12.000 hội viên. Nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất phát triển kinh tế, từ đó cuộc sống của phần lớn nạn nhân và gia đình đã được đổi thay.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Thanh Phương cho biết, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam nhiều so với các địa phương khác. Họ và gia đình họ đã phải gánh chịu nỗi đau tột cùng và khó khăn về kinh tế. Chính sách dành cho nạn nhân da cam ban hành đã giúp đỡ nhiều nạn nhân vơi bớt khó khăn. Đặc biệt là các thế hệ con cháu được học nghề, có cơ hội được đổi thay cuộc sống./.

Đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị di chứng chất độc hoá học, tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, nạn nhân chất độc da cam sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau.

Mức độ suy giảm khả năng lao động từ 21 - 40% được hưởng số tiền hơn 1,2 triệu đồng/tháng; mức 41 - 60% với số tiền hơn 2 triệu đồng/tháng; mức 61 - 80% với số tiền gần 2,9 triệu đồng/tháng và trên 81% với số tiền hơn 3,7 triệu đồng/tháng.

Đối với trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có 2 mức trợ cấp, trong đó mức trợ cấp từ 61 - 80% với số tiền hơn 970 nghìn đồng/tháng và mức trợ cấp trên 81% với số tiền hơn 1,6 triệu đồng/tháng.

(Theo dientudacam.vn)