Những ngày tháng khói lửa, đạn bom khốc liệt đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Hàng ngàn hàng cốt liệt sĩ chưa được quy tập, vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất. May mắn sống sót sau chiến tranh, cựu chiến binh Vũ Doãn Tùng, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 1, Quân khu 9 luôn canh cánh nỗi lòng đi tìm đồng đội. Hành trình tìm kiếm phần mộ liệt sĩ chẳng dễ dàng nhưng ông luôn ước nguyện đưa được đồng đội trở về để phần nào giúp các thân nhân, gia đình liệt sĩ xoa dịu vết thương chiến tranh.
Cựu chiến binh Vũ Doãn Tùng bắt đầu câu chuyện bằng những tháng ngày vào bộ đội. Ông nhập ngũ tháng 9/1973 tại Hà Nội. Tháng 2/1974 ông đi B vào Nam chiến đấu thuộc đơn vị Trung đoàn 1, Quân khu 9 miền Tây Nam Bộ. 46 năm trong quân đội, từ khi nghỉ hưu ông đảm nhiệm vai trò là Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 1, cùng với đó ông tổ chức nhiều chuyến đi tìm kiếm đồng đội. Là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu nên những ký ức chiến tranh và sự hy sinh của đồng đội luôn khiến ông Tùng day dứt.
Hành trình đi tìm đồng đội của ông Tùng và các cựu chiến binh trong Ban liên lạc Trung đoàn 1 là một hành trình dài khi rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được danh tính. Đến nay, ông đã tổ chức 7 lần về lại chiến trường xưa miền Tây Nam Bộ để tìm kiếm thông tin, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ giám định ADN. Quê quán các liệt sĩ nằm rải rác ở 13 tỉnh thành khắp cả nước từ Bắc vào Nam.
Ông Tùng cho biết, trong số danh sách 53 gia đình có người thân hy sinh trong trận đánh Ba Càng ở xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long ngày 12/4/1975 mà ông đã kết nối, có 41 gia đình liệt sĩ có nguyện vọng làm giám định ADN để xác định danh tính. Ông và đồng đội đã hỗ trợ các gia đình làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng lấy mẫu sinh phẩm thân nhân để phục vụ việc giám định ADN.
Biết bao câu chuyện cảm động trên hành trình ấy như trường hợp hy sinh của đồng đội Trần Văn Khanh ở Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An thật khó quên với cựu chiến binh Vũ Doãn Tùng. “Liệt sĩ là người duy nhất trong số các anh em hy sinh có con trước khi đi B. Lúc đó con anh ấy mới mấy tháng tuổi rất nhỏ, lớn lên không biết mặt cha”, ông Tùng xúc động kể lại.
Cựu chiến binh Vũ Doãn Tùng luôn trăn trở phải làm gì đó để đưa được càng nhiều hài cốt liệt sĩ trở về khi dấu vết thời gian đã dần san phẳng phần mộ các liệt sĩ. Để có những thông tin về phần mộ liệt sĩ Trần Văn Khanh, ông đã phải lặn lội ngược xuôi, về quê quán kết nối, gặp gỡ những người cùng chiến đấu để tìm kiếm thông tin. Hành trình tìm kiếm hồ sơ lưu trữ về liệt sĩ cũng thật khó khăn khi quê quán của anh không may bị nhầm lẫn. Dù quê ở Nghệ An, nhưng người vợ và con gái đã chuyển vào thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước sinh sống nhiều năm nay. Điều này càng gây khó khăn cho việc tìm kiếm thông tin về gia đình liệt sĩ.
Ông Tùng đã liên hệ với những đồng đội từng chiến đấu với liệt sĩ Trần Văn Khanh cùng quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An nhưng những thông tin nhận được cũng thật ít ỏi. Sau nhiều lần kiên trì, miệt mài tìm kiếm và trực tiếp vào Bình Phước để gặp gỡ thân nhân liệt sĩ. Đến tháng 5/2020, ông Tùng đã mời được gia đình đi tỉnh Vĩnh Long để lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Ngày 24/5/2020, ông Tùng và đồng đội lấy mẫu hài cốt liệt sĩ thì thật may mắn và trùng hợp khi 5 tháng sau kết quả ghi nhận mẫu hài cốt liệt sĩ có quan hệ huyết thống với mẫu sinh phẩm thân nhân. Khi nhận được ủy quyền của Cục người có công giao kết quả giám định ADN cho gia đình, ông Tùng vô cùng xúc động. Nhưng tới khi vào Nghệ An trao tận tay kết quả giám định ADN thì ông và đồng đội càng thương xót trước hoàn cảnh khó khăn của thân nhân liệt sĩ “Chúng tôi tổ chức cho anh em vào Nghệ An, gặp người em trai liệt sĩ đang thờ cúng, gia đình rất nghèo, nhìn quanh chỉ có 2 cái giường, chẳng có gì đáng giá” – ông Tùng kể.
Trước hoàn cảnh nghèo khó của thân nhân liệt sĩ Trần Văn Khanh, ông Tùng đã kêu gọi đồng đội cùng chung tay hỗ trợ với mong muốn an ủi, động viên thân nhân liệt sĩ vượt qua khó khăn. Ông Tùng phấn khởi chia sẻ: “Anh em chúng tôi quyên góp cho gia đình em trai liệt sĩ phần quà gồm con bê trưởng thành, 1 cái vô tuyến mới và 1 phần tiền mặt, tổng số 24 triệu đồng”. Với ông Tùng, đó không chỉ là tình cảm dành cho đồng đội mà còn giúp ông bớt đi những day dứt trước sự hy sinh của đồng đội và mất mát quá lớn của gia đình.
Mỗi lần giúp đỡ hỗ trợ đưa được một hài cốt liệt sĩ về quê nhà là thêm một lần cựu chiến binh Vũ Doãn Tùng cảm thấy nhẹ lòng. Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp khiến những kế hoạch của ông Tùng và Ban liên lạc Trung đoàn 1 phải tạm hoãn lại. Thế nhưng các ông vẫn liên tục dành thời gian chuẩn bị, khảo sát thu thập thông tin và sẵn sàng lên đường ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.