Chiến tranh đã lùi xa, trở về với đời thường nhưng người cựu binh già Hoàng Văn Quyền quê ở khối 6, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vẫn bùi ngùi khi nhớ về những năm tháng gian khó, hiểm nguy trong chiến tranh. Giữa những “bom rơi đạn lạc”, ông đã vĩnh viễn mất đi người đồng đội yêu quý - Liệt sỹ Nguyễn Văn Hớn.

Nhập ngũ năm 1967, chiến sĩ Hoàng Văn Quyền được biên chế vào tiểu đoàn 43 của tỉnh đội Nghệ An. Từ năm 1968 tới năm 1971, ông Quyền cùng các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia nhiều trận chiến lớn trên đất bạn Lào. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy, ông Quyền nhớ mãi một người bạn, một chiến sĩ trẻ đã anh dũng ngã xuống khi làm nhiệm vụ quốc tế. Anh là Liệt sỹ Nguyễn Văn Hớn quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

“Đồng chí Hớn lấy vợ nhưng chưa kịp có con thì đã đi bộ đội. Tiếc là đồng chí đã hy sinh trọng trận Xà Nỏi. Khi đánh nhau với địch giữa 2 làn đạn, anh Hớn đã bị trúng đạn” – ông Quyền nhớ lại.

Nhắc về kỷ niệm đời lính, ông Quyền không quên những năm tháng vất vả “nếm mật nằm gai” trên chiến trường Lào cùng anh Hớn “Tôi với anh Hớn cùng ăn với nhau, cùng ở với nhau, chia với nhau từng bát cơm. Tất cả anh em trong tiểu đoàn, dù ở huyện nào tỉnh nào cũng coi nhau như anh em ruột, đùm bọc lấy nhau”.

Trải qua những trận đánh ác liệt, có những lúc đối diện với cái chết trong gang tấc nhưng những người lính vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Sau những giây phút lửa đạn nguy hiểm, họ lại ngồi bên nhau, chuyện trò và động viên nhau, hy vọng sớm có một ngày hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về quê hương.

Giữa chiến trường khói lửa, ông Quyền vẫn luôn nhắc nhở bạn mình “Tôi hay đùa với đồng chí Hớn: Bạn ơi trận này về bạn cố gắng sinh vài đứa nhé, vì khi bạn ra chiến trận hai vợ chồng vẫn chưa kịp có đứa con nào. Cố gắng lên bạn nhé”.

Những câu vui đùa ấy đã chẳng thể thành hiện thực. Hớn đã hy sinh trong một trận chiến ác liệt với quân thù. Ông Quyền cũng bị 29 vết thương, nhưng may mắn hơn ông được đơn vị tìm thấy và đưa về chữa trị. Còn anh Hớn đã mãi mãi nằm lại nơi rừng sâu lạnh lẽo.

“Trước khi chúng tôi vào lấy thi hài của đồng chí Hớn phải hết sức thận trọng. Vẫn biết bạn bè ngã xuống thương lắm, có khi vào ôm lấy bạn luôn nhưng không dám. Vì địch gài mìn vào thi thể bạn. Nếu không cảnh giác thì lại thêm 5-7 người nữa bị thương. Buộc lòng chúng tôi phải dùng dây võng nối lại, dài khoảng 40-59 mét. Rồi mới chậm chậm bò lại cột vào chân của đồng đội, lôi đi 1 đoạn nếu không có mìn thì mới bắt đầu đưa đồng chí vào cáng và chuyển đi tuyển sau” - ông Quyền chia sẻ.

Với những người lính năm ấy, chết chưa phải là hết. Dù các anh đã ngã xuống nhưng kẻ thù vẫn có thể lợi dụng thi thể các anh để gài bẫy những đồng đội còn lại. Thế nên, dù vô cùng đau thương trước mất mát của đồng đội, những mỗi người lính phải luôn giữ vững sự tỉnh táo, bản lĩnh và sáng suốt để không mắc vào bẫy mìn của quân thù.

Ông Quyền xúc động: “Khi mang thi hài các đồng chí tử sĩ về, có khi 7-8 ngày mới tìm thấy các đồng chí, nhìn mà đau lòng lắm”.

Hơn năm 50 qua, ông Quyền luôn đau đáu về hình ảnh bi thương khi đồng đội ngã xuống. Không bia cắm, không khói hương, nấm mộ của người lính chiến trường đơn sơ vô cùng. Đồng đội còn sống cũng chỉ biết cúi đầu tiễn biệt để tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

“Khi các đồng chí nằm xuống chẳng có gì ngoài cái võng cái tăng đùm lại đưa các đồng chí xuống huyệt, nhìn lại thương lắm. Chúng tôi tiếc các đồng chí, tình đồng đội với nhau chung sống cùng chiến trường, đói khổ có nhau, mà chiến tranh khiến người còn người mất”.

Liệt sỹ Nguyễn Văn Hớn là một trong số rất nhiều đồng đội của ông Quyền đã hy sinh, là niềm tự hào của lớp thế hệ “mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc”, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc./.