Trong ký ức của ông Vũ Tuấn Khanh, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Sư đoàn 356, Mặt trận Vị Xuyên, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và sự hy sinh của hàng nghìn đồng đội vẫn còn sống mãi. Đó là những năm tháng thanh xuân họ đồng hành với những trận đánh ác liệt, những đau thương trước sự ra đi của đồng đội. Nhiều năm qua, người lính Vị Xuyên Vũ Tuấn Khanh vẫn mang nặng nỗi niềm về những đồng đội đã hy sinh mà hài cốt vẫn còn chưa tìm thấy.

Với các cựu chiến binh ở Sư đoàn 356 như ông Vũ Tuấn Khanh, nỗi đau vẫn dai dẳng khi hàng nghìn đồng đội ngã xuống vẫn nằm rải rác khắp các mỏm núi ở chiến trường Vị Xuyên. Ngã xuống nơi biên giới, nhưng lời thề của các anh hùng liệt sĩ vẫn được đồng đội khắc sâu.

Ông Khanh vẫn còn nhớ mãi lời thể khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh trong trận đánh ngày 12/7/1984 “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá thành bất tử”. Những người lính Vị Xuyên coi đó chính là khẩu hiệu, là lời thề bất diệt trong những ngày chiến đấu. Lời thề ấy của Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh về sau được khắc vào một tấm bia đá và đặt trang trọng ở đền thờ trên cao điểm 468. Gần 30 năm sau, thi hài của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã được đưa về quê nhà.

Mỗi lần về lại Vị Xuyên, đến điểm cao 468, ông Khanh không quên thắp nén hương tưởng nhớ về đồng đội, những người anh em đã cùng chiến đấu vào sinh ra tử. “Khi đến cổng nghĩa trang Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 18 cây số, đúng cột mốc Km18, tôi thường dừng lại mua trái cây và mấy thẻ hương, vàng mã rồi lên thắp hương cho đồng đội của tôi ở nghĩa trang Vị Xuyên” – ông Khanh tâm sự.

Hơn 30 năm trở về đời thường, ông Khanh vẫn luôn mang ký ức ám ảnh về những ngày tháng chiến đấu gian khổ trên biên giới. Nơi ấy, máu thịt của những người đồng đội vẫn còn nằm sâu nơi khe suối vách đá của chiến trường Vị Xuyên. Ông Khanh nhớ mãi người đồng chí Nguyễn Lê Thanh, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 3, trung đoàn 876 là đơn vị trực tiếp đánh nhau với địch ở mỏm núi D2. Anh Thanh hy sinh ngay tại chiến hào.

Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Lê Thanh là một trong số rất nhiều hài cốt của cán bộ, chiến sĩ hy sinh vẫn còn nằm lại ở chiến trường, chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, quê hương. Điều này để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho những người còn sống như ông Khanh. Thế nên dù xa xôi cách trở cũng chẳng ngăn được bước chân của hàng nghìn cựu chiến binh đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội. Sau khi liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang để nắm được thông tin về liệt sĩ, ông Khanh và các đồng đội ở trung đoàn 876 may mắn đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Nguyễn Lê Thanh ở trên mỏm D2, thuộc cao điểm 772. Những gì còn lại chỉ là một ít xương bả vai, xương hàm, một chiếc mặt nạ phòng độc và một chiếc thắt lưng của liệt sĩ. Những đồng đội còn sống của liệt sĩ đã cất bốc hài cốt và đưa anh Thanh về an táng tại nghĩa trang Ba Dốc, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình…

Trong 5 năm 1984-1989, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống. Sau ngày chúng ta tổn thất nhiều nhất, Sư đoàn 356 của ông Khanh phải rút lui về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị giành lại những cao điểm đang bị địch chiếm đóng.

May mắn sống sót sau ngày 12/7/1984, ông Khanh cùng những người còn lại thu dọn chiến trường trong nỗi đau thương khi nhiều chiến sĩ không thể đưa được thi thể về. Có những tiểu đoàn gần như bị xóa sổ khiến người cựu binh già đau nhói mỗi khi nhớ và nhắc lại. Trở lại Vị Xuyên và thắp nén hương thơm cho những người đồng đội đang nằm tại nơi này là mong ước không chỉ của riêng ông Khanh.

Những ký ức như nhắc nhớ cựu chiến binh Vũ Tuấn Khanh về tuổi thanh xuân, xương máu mà các đồng đội đã dâng hiến ở mảnh đất Vị Xuyên. Nỗi đau thật khó có thể nguôi ngoai khi còn hàng nghìn đồng đội của ông chưa được quy tập về nghĩa trang. Đó cũng là lý do để mỗi năm, như một lời ước hẹn, ông cùng những người còn sống lại lặn lội lên biên giới, bởi với ông, quy tập được hài cốt đồng đội về là niềm an ủi trong những năm cuối đời./.