Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, thu non sông về một mối.
Trước khi mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 20/4/1975 quân ta đã hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập Sài Gòn-Gia Định trên 5 hướng. Lúc này lực lượng địch trong thành phố còn lại khá lớn (tổng cộng khoảng 7 sư đoàn, cùng các đơn vị khác). Với yêu cầu đập tan sự kháng cự của lực lượng địch mà vẫn giữ được nguyên vẹn thành phố Sài Gòn, chúng ta phải có phương án tác chiến, sử dụng lực lượng thật khoa học. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương sử dụng quân chủ lực mạnh, tiến hành chia cắt chiến lược, bao vây, chặn diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không để chúng co cụm vào trong nội đô; tổ chức binh đoàn binh chủng hợp thành, thọc sâu vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, then chốt nhất như: Bộ tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh cảnh sát ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô. Ta sử dụng lực lượng tương đương 5 quân đoàn phối hợp với một bộ phận không quân, hải quân... cùng các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích.
Từ ngày 26/4 đến 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân và dân ta đã thực hiện thành công Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến cuối cùng tiến công vào sào huyệt địch tại Sài Gòn, đập tan chính quyền, quân đội tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận...”, cựu chiến binh Trần Đình Ất, nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B cùng đồng đội đã liên tục hành quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù:
“Hành quân vào đánh nhau 1 tháng chúng tôi không tắm không giặt, đi hành quân liên tục thần tốc theo mệnh lệnh của cấp trên, vừa đi vừa ăn lương khô, vừa uống nước suối, đi đường Trường Sơn bụi mù trời chỉ còn 2 mắt thôi” - cựu chiến binh Trần Đình Ất kể.
Từ ngày 9 đến ngày 16/4/1975, quân ta mở chiến dịch Xuân Lộc. Đây là chiến dịch diễn rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sĩ tử thủ. Đại tá Hà Xuân Diệu, nguyên chiến sĩ Quân đoàn 4 nhớ lại: Để đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, quân ta tập trung hai sư đoàn giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan. Thực hiện mục tiêu này, lực lượng Quân đoàn 4 tăng cường Sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Khu 7.
Ngày 26/4, quân ta tiến hành nổ súng mở màn chiến dịch trên 5 hướng tiến công chiến lược: Hướng Bắc là Quân đoàn 1; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3; hướng Đông là Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2; hướng Tây Nam là Đoàn 232 và hướng Nam là Lực lượng vũ trang Quân khu 8. Từ ngày 26/4 đến ngày 28/4, quân ta đã đập tan hoàn toàn tuyến vòng ngoài của quân ngụy. Ngày 29/4, ta nổ súng tổng công kích Sài Gòn, tiêu diệt các mũi phản kích của địch.
Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của địch. Mở màn là trận đột phá cuối cùng vào sào huyệt địch ở khu vực Củ Chi, Hóc Môn. Sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng bị tê liệt, cùng lúc đó, quân ta bắt đầu ào ạt tiến công.
Cựu chiến binh Vũ Duy An, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B cùng đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu vào nội đô, đột phá tuyến phòng ngự địch chốt giữ cầu Bình Triệu, theo đường Bạch Đằng, Chi Lăng đánh vào Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Ông An chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng khôn xiết vì mình đã vào đúng nơi đúng nhiệm vụ cấp trên giao, chúng tôi nghĩ là hoàn thành, vì lúc ấy thông tin không được đầy đủ, không biết còn vùng khác, các chiến thuật khác như thế nào”.
9h sáng ngày 30/4/1975, lực lượng Quân đoàn 2 đi đầu đột kích tiếp tục vượt cầu Sài Gòn. Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ thị cho cán bộ Lữ đoàn xe tăng 203 dàn đội hình, giữ cự ly, bám Tiểu đoàn 1 xe tăng đi đầu. Khi Bộ tổng tham mưu ngụy mất hiệu lực chỉ huy, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 như cựu chiến binh Nguyễn Sơn Văn nhanh chóng tiến vào Dinh Độc Lập.
“Tư tưởng lúc bấy giờ là thần tốc thần tốc, táo bạo táo bạo, gắn liền với chiến thuật đánh, vừa đi vừa đánh, tiến mà đánh, đánh mà tiến, xen kẽ với tinh thần nắm vững chớp thời cơ...” - Cựu chiến binh Nguyễn Sơn Văn nhớ lại.
Trải qua 5 ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng Quân đoàn 2 đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt, bắt sống hơn 20 nghìn tên địch; làm tan rã 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi, bắn cháy 23 máy bay cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác của địch... Cựu chiến binh Nguyễn Thiện Tỉnh, Phó chính ủy trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Anh hùng LLVTND Quân đoàn 2 tự hào khi đã góp phần vào chiến thắng lớn này.
47 năm trôi qua, cựu chiến binh Trần Đình Ất, Nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B vẫn không quên khoảnh khắc cùng đồng đội mang lá cờ lên cắm trên nóc Bộ tổng tham mưu ngụy quyền. Ông Trần Đình Ất nhớ rất rõ buổi sáng lịch sử, ngày 30/04/1975: “Đại đội 5 của tôi dẫn đầu, dùng hỏa lực 2 bên sẵn sàng, tiêu diệt địch ở trên tầng cao. Chúng tôi ngồi trong xe dẫn đầu vào tận cổng chính, vào sân bộ Tổng tham mưu của quân đội Sài Gòn. 5 người đi trước, tôi với đồng chí Lưu đi 2 bên bảo vệ lá cờ. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trèo lên cắm cờ cao nhất trên Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn lúc 9h30 ngày 30/4/1975” – cựu chiến binh Trần Đình Ất xúc động khi nhớ lại giây phút lịch sử.
11h 30 phút ngày 30/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, kết thúc chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 30 năm của quân và dân ta (1945 - 1975)./.