Mẹ Hồ Thị Đức năm nay 82 tuổi, mẹ của liệt sỹ Trần Văn Phương kể, gia đình mẹ là nông dân nghèo, anh Phương là con trai đầu của mẹ, sau khi học xong lớp 10, anh tình nguyện đi bộ đội và năm 1986, anh được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và phong quân hàm thiếu úy. Tháng 3-1988, anh Phương được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Trước ngày ra đảo làm nhiệm vụ, lá thư cuối cùng anh Phương dặn mẹ sau mùa gặt nhớ giữ lại rơm rạ, anh về sẽ sửa lại mái nhà đã dột. Nhưng không ngờ, đó cũng là nhiệm vụ cuối cùng của người lính hải quân Trần Văn Phương...
Sau khi biết tin anh Phương hy sinh, nén đau thương vào trong, mẹ Đức gắng gượng nuôi các con khôn lớn. Thời điểm đó, gia đình mẹ cũng nhận được tin vui con dâu mẹ, vợ của anh Phương đã mang thai được 3 tháng. Cả gia đình mẹ lại như có niềm hy vọng mới. Không lâu sau, cô gái Trần Thị Thủy, con gái của anh Phương ra đời.
Qua lời kể của mẹ Đức, nhìn lên di ảnh của Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ Trần Văn Phương, chúng tôi không nén nổi xúc động. Hình ảnh vòng tròn bất tử của 64 người lính hải quân năm đó lại hiện lên như khúc hùng ca bi tráng được lịch sử ghi lại cho thế trẻ tự hào và noi theo.
Vào các dịp kỷ niệm hải chiến Gạc Ma, căn nhà nhỏ của mẹ Đức ở tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình dường như ấm áp hơn bởi các đoàn thể, chính quyền địa phương, các đồng đội của liệt sỹ Phương đến thăm viếng. Những lúc đó, mẹ Đức không giấu được sự xúc động khi nhắc đến người con trai đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma.
Tiếp nối truyền thống của cha, chị Trần Thị Thủy khoác lên mình bộ quân phục Hải quân, tiếp tục hướng về Trường Sa thân yêu. Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam, hệ cao đẳng Trường đại học Quảng Bình, cô gái Trần Thị Thủy vào Khánh Hòa, với ước mong được nối nghiệp người cha kính yêu để góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trò chuyện với chị qua điện thoại, chúng tôi cảm nhận được sự xúc động của chị mỗi lần nhắc đến cha mình, giọng nghẹn ngào, chị nói: "Lần đầu tiên được đặt chân đến Trường Sa, giữa mênh mông biển trời xanh ngắt, tôi xúc động dâng trào nước mắt, những hồi ức về người cha qua lời kể của mẹ lại hiện lên. Khi ấy, tôi càng quyết tâm sẽ ở lại Trường Sa thay cha viết tiếp những trang sử về người lính Hải quân gan dạ, dũng cảm. Có một cơ duyên cũng rất may mắn, trên chuyến tàu đó, tôi may mắn được gặp và trình bày nguyện vọng với bác Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời đã đến khi tôi viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ và được chính bác Ninh phê chuẩn".
Vậy là, kết thúc chuyến đi thăm Trường Sa lần đó, cô gái Trần Thị Thủy trở thành người lính Hải quân vào năm 22 tuổi. "Lựa chọn màu áo lính, nghĩa là sẽ thường xuyên đối mặt với gian lao, vất vả, luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, mình phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống của cha anh và các thế hệ đi trước đã dựng xây nên bằng xương máu", chị Thủy luôn tâm niệm.
Hiện, thượng úy Trần Thị Thủy đang công tác tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Truyền thống gia đình cách mạng lại dày thêm một trang mới, khi chị Thủy kết hôn cùng với anh Nguyễn Hồ Hải, cán bộ Chi đội kiểm ngư 04 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Bố chồng chị cũng là thuyền trưởng tàu hải quân. Con gái đầu lòng của anh chị được đặt tên là Nguyễn Trần Navy- tiếng Anh có nghĩa là Hải quân.
Cũng như nhiều gia đình giàu truyền thống cách mạng khác trên đất nước Việt Nam, các thế hệ trong gia đình của liệt sỹ Trần Văn Phương đã và đang cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước và họ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: Báo điện tử Quảng Bình