Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy đã giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng, là sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với cán bộ các cấp, các ngành từ trung ương đến các địa phương. Nhưng còn câu chuyện “nhức nhối” là lãng phí thì đâu đó vẫn chưa được coi trọng và triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa qua đã có bài viết quan trọng đăng tải, phát sóng trên các phương tiện truyền thông về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nêu ra thực trạng nghiêm trọng của tình trạng lãng phí đã và đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Bài viết cũng đồng thời chỉ ra nhiệm vụ cấp bách cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cũng như đối với toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chống lãng phí.

Gần đây nhất trong buổi thảo luận ở tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm lại một lần nữa nêu vấn đề chống lãng phí và dẫn chứng một số vụ việc rất tiêu biểu về lãng phí gây bức xúc trong nhân dân.

Và vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã được Bác Hồ chỉ ra từ rất sớm và ngay trong Di chúc thiêng liêng của Người gửi lại cho toàn Đảng toàn dân, Bác Hồ đã coi việc lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội.

Không khó để nhân diện ra tình trạng lãng phí đang diễn ra khá phổ biến nghiêm trọng từ rất nhiều năm trước cho đến hiện nay. Có thể thấy rất rõ là mỗi người dân bình thường cũng tận mắt thấy tình trạng lãng phí diễn ra ngay trên địa bàn cư trú và ngay ở địa phương mình. Nhưng thật đáng tiếc và rất đáng lo ngại là nhiều cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật lại chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nhiệm vụ chống lãng phí và có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này ở cơ quan đơn vị mình. Không ít cán bộ chủ chốt các cơ quan trung ương, các tỉnh thành phố, các quận huyện... lại không thấy hoặc cố tình không thấy sự nguy hiểm của lãng phí đang tàn phá đất nước cũng nghiêm trọng như tham nhũng tiêu cực và thậm chí có ý kiến còn cho rằng nguy hại hơn.

Có thể kể ra rất nhiều sự lãng phí về thời gian và tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân ở nhiều nơi, nhiều ngành, lĩnh vực. Một số liệu thống kê cho thấy cả nước hiện có 3.085 dự án chậm tiến độ hoặc không được thực hiện kéo dài từ 10 năm đến hơn 20 năm. Đã có khoảng hơn 74.000 ha đất bị bỏ hoang không sử dụng gây lãng phí một khoản tiền vô cùng lớn.

Tình trạng lãng phí phổ biến trên rất nhiều lĩnh vực nhưng tập trung ở ba lĩnh vực chủ yếu. Một là lãng phí về tài nguyên đất đai. Hai là lãng phí về đầu tư công và chậm giải ngân đầu tư công. Ba là lãng phí trong xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, thủy lợi, đê điều...

Một số đại biểu quốc hội và các chuyên gia cho rằng lãng phí diễn ra phổ biến ở nhiều cơ quan đơn vị, từ trung ương đến các địa phương. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể coi là hai địa phương lãng phí lớn nhất, trong đó lãng phí lớn nhất là sử dụng đất đai, bởi giá đất đai ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là đắt đỏ nhất cả nước. Hoặc trong giải ngân đầu tư công thì 9 tháng đầu năm 2024 mới giải ngân chưa được 50% trong khi chỉ còn ba tháng nữa thì chắc chắn không thể nào giải ngân hết 50% còn lại.

Nếu kể một số công trình xây dựng dở dang hoặc bỏ hoang hàng chục năm trời thì ai cũng thấy rất xót xa. Tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) có hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đầu tư 9.000 tỷ đồng qua 10 năm xây dựng đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay nhiều trang thiết bị đã xuống cấp hoặc hư hỏng và bệnh viện vẫn chưa được đưa vào sử dụng gây bức xúc dư luận.

Thủ đô Hà Nội có 712 dự án đã được phê duyệt nhưng chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai. Có rất nhiều dự án ở khắp các quận huyện của thủ đô mà ai cũng thấy những khu đất rộng lớn bị bỏ hoang cây cỏ mọc um tùm.

Tại tổ 14 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội có khu đất 15.000 mét vuông bỏ hoang hơn 30 năm nay mà chính quyền quận Long Biên không cho 87 hộ dân là cán bộ, sĩ quan, quân đội và công an đưa vào sử dụng với lý do là có dự án công ích nhưng không công khai quy hoạch dự án cho dân biết và cũng không triển khai thực hiện gây bức xúc dư luận xã hội.

Tín hiệu đáng mừng là các vụ án về thất thoát, lãng phí do cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc thoái hóa biến chất nhận hối lộ gây ra đã và đang được xử lý. Mới đây đã truy tố cựu Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 55,8 tỷ đồng. Hay vụ án Hồ chứa nước bản Mồng ở Nghệ An, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố các bị can gồm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cuộc chiến chống lãng phí thực hành tiết kiệm phải đặt ngang hàng, thậm chí cao hơn cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực, bởi vì gây thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân vô cùng lớn. Không thể để chậm trễ hơn cần khẩn trương xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các tập đoàn, công ty. Mặt khác cũng cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị và các cơ quan tham mưu khi quyết định, thẩm định phê duyệt các dự án về mọi lĩnh vực. Đồng thời các cơ quan bảo vệ pháp luật phải đẩy mạnh việc kiểm tra thanh tra giám sát và khi phát hiện vụ việc phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật dù cơ quan, đơn vị hay người gây ra lãng phí cao đến đâu.

Lẽ đương nhiên công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải đi đôi với cuộc đấu tranh kiên quyết mạnh mẽ không khoan nhượng là tham nhũng, tiêu cực tham ô, thoái hóa biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về công cuộc thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ, quyết liệt đem lại hiệu quả thiết thực, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.